NHO GIÁO - Trang 268

khánh, đàn cầm, đàn sắt, cái sênh, để biện biệt việc lành, việc dữ, để hợp sự
vui, định sự hòa mà thôi, chứ chính mình không cầu lấy cái sướng quá độ;
làm ra cung thất, đền đài, cốt để tránh lúc khô, lúc ẩm và nuôi cái đức tính,
biện cái khinh, cái trọng mà thôi, chứ chính mình không cầu cái đẹp ở bề
ngoài... Nếu dùng nhiều sắc đẹp để làm đồ mặc, dùng nhiều mùi ngon để
làm đồ ăn, dùng tài vật để chế ra đồ đạc, hợp thiên hạ mà làm chủ; là không
phải để bày vẽ ra cho sang, cho sướng, nhưng cốt để làm chủ dịch người
trên. Trăm họ có sức mạnh, có năng lực hợp quần, có của cải, có thế lực,
nhưng cần phải có cái đức của quân thượng điều lý thì mới không sinh ra sự
tranh đoạt.
Thiên hạ trọng bậc nhân quân, tức là trọng cái đẹp chung và cái lợi chung
của mình, mà bậc nhân quân giữ cái ngôi mình là giữ cái của chung cả thiên
hạ, chứ không phải là của riêng một nhà một họ nào. Cái ý tưởng ấy là cái ý
tưởng rất trọng yếu của Nho giáo. Người làm vua, làm chúa phải lấy cái đức
mà hóa thiên hạ, dùng cái trí công chính mà làm lợi cho thiên hạ, như vậy
thì tất là thiên hạ phải tôn, phải quý. Nếu người nào giữ ngôi quân mà lại
chỉ biết có một cái quyền lợi của mình mà thôi và làm những điều dâm tàn,
bạo ngược, thì trái với quân đạo, không phải là bậc nhân quân nữa. Vì rằng:
Thiên chi sinh dân, phi vị quân dã, thiên chi lập quân, dĩ vị dân dã

天之生

民非謂君也。天之立君,以為民也: Trời sinh ra dân không phải là vì ông
vua, Trời lập ông vua lên là bởi vì dân vậy” (Đại lược, XXVII). Bởi vậy
thiên hạ tuy phải tôn phù nhân quân, nhưng khi nhân quân là người tàn bạo
thì thiên hạ lại có quyền được trừ bỏ đi. Chỗ này Tuân Tử cũng đồng một ý
với Mạnh Tử, cho nên nói: “Tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu

誅暴

國之君若誅獨夫: Giết ông vua tàn bạo một nước cũng như giết một đứa
độc phu” (Chính luận, XVIII). “Vậy nên ai biết lấy nhân nghĩa mà trị thiên
hạ là yên, lấy tàn bạo mà trị thiên hạ là nguy. “Quân giả là thuyền, thứ dân
là nước. Nước chở thuyền, nhưng nước lại đánh đắm thuyền. Cho nên bậc
nhân quân muốn yên thì không gì bằng trọng lễ và kính kẻ sĩ, muốn lập
công danh thì không gì bằng chuộng kẻ hiền, khiến kẻ năng. Ấy là cái tiết
lớn của bậc nhân quân vậy” (Vương chế, XI).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.