NHO GIÁO - Trang 307

tàng không dùng đến. Thế đủ rõ Trời dùng đức, không dùng hình vậy. Đấng
vương giả noi ý Trời để làm việc, cho nên dùng đức giáo, không dùng hình;
hình không có thể dùng để trị đời, cũng như khí âm không có thể làm nên
một năm vậy. Nay bỏ chức quan coi chức giáo của tiên vương, chỉ dùng
những kẻ lại chấp pháp, mà muốn đức giáo khắp bốn bể thì thật là khó vậy.
Làm đấng nhân quân chính lòng của mình trước, để chính triều đình; chính
triều đình, để chính trăm quan; chính trăm quan để chính muôn dân; chính
muôn dân để chính bốn phương. Bốn phương đã chính thì xa gần không đâu
là không chính, mà tà khí không có thể chen lấn vào chỗ nào được. Bởi thế
âm dương đều mà mưa gió thuận thời, quần sinh hòa mà muôn vật sinh sản
nhiều. Những vật phúc, những điều hay đều đến cả. Nay bệ hạ đức hạnh cao
mà ân trạch hậu, biết sáng mà ý đẹp, thương dân mà mến kẻ sĩ, thật là một
vua giỏi, thế mà trời đất chưa ứng, điềm tốt chưa đến, là bởi giáo hóa chưa
dựng, mà muôn dân chưa chính vậy. Muôn dân theo về điều lợi cũng như
nước chảy xuống chỗ thấp, nếu không đề phòng bằng giáo hóa, thì không
sao ngăn được. Vương giả đời xưa biết lẽ ấy cho nên ngảnh mặt về đằng
nam mà trị thiên hạ, lấy giáo hóa làm việc to, đặt nhà thái học để dạy cả
nước, đặt nhà tường, nhà tự để dạy chỗ thôn ấp, thấm thía dân bằng nhân,
mài dũa dân bằng nghĩa, tiết chế dân bằng lễ, cho nên hình phạt rất nhẹ mà
không ai phạm phép, là vì giáo hóa lưu hành, mà phong tục tốc vậy. Khi bậc
thánh vương nối sau đời loạn, thì quét sạch những dấu cũ mà bỏ đi hết cả,
rồi sửa sang giáo hóa mà làm cho tôn sùng hưng khởi thêm lên, ví như đàn
cầm, đàn sắt không kêu thì phải tháo ra mà lên dây lại mới có thể gảy được,
làm việc chính trị mà gặp phải cái chính trị không thể thi hành được, thì
phải đổi đi mà sửa lại mới có thể trị được. Đời xưa có câu rằng: “Đến vực
mà khen cá, thì không bằng trở về mà kết lưới”. Nay đến việc chính mà
muốn cho trị, thì không bằng lui mà đổi lại giáo hóa. Giáo hóa đổi thì có thể
thiện trị, Thiện trị thì tai hại mỗi ngày một lui, phúc lộc mỗi ngày một đến,
cho nên được chịu phúc của Trời mà đức khắp cả quần sinh vậy”.
Vũ Đế xem bài đối sách ấy rồi, ra bài sách khác. Đổng Trọng Thư làm bài
thứ hai, đại lược nói rằng:

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.