NHO GIÁO - Trang 328

cũng không sót, dò đến trạng của quỉ thần, thì đạo huyền cũng không trái,
khác với lời nói ở lục Kinh, thì đạo huyền cũng không sai. Giả sử thánh
nhân sống lại, đọc đến sách Huyền chắc vui mà cười, cho là hiểu được lòng
mình vậy. Thế mới biết sách Huyền cốt để tán thêm nghĩa Kinh Dịch, chứ
không phải là làm để tranh với Kinh Dịch. Sao Lưu Hâm và Ban Cố biết
sách Huyền nông, mà bắt lỗi sách Huyền sâu vậy?
“Có người nói rằng: phép Kinh Dịch khác với sách Thái Huyền, Dương Tử
không theo Kinh Dịch, mà đặt ra pháp chế, thì sao lại cho là tán Kinh Dịch?
Vả lại đã đồng đạo với Dịch thì đã có Kinh Dịch rồi, còn làm sách Thái
Huyền
để làm gì? Trả lời rằng: Đi săn là cốt để bắt được chim. Chăng lưới
mà bắt được, cùng với đánh dò mà bắt được, có khác gì nhau. Làm sách là
vì đạo: Dịch là lưới, Huyền là dò. Đã chăng lưới lại đặt dò để giúp thêm
vào, thì có gì là hại? Người cầu đạo như thế cũng câu chấp quá. Vả Dương
Tử làm sách Pháp ngôn để chuẩn sách Luận Ngữ, làm sách Thái Huyền để
chuẩn Kinh Dịch, không bỏ Pháp ngôn mà muốn bỏ Thái Huyền, há không
phải là lầm ru!
“Ôi! Pháp ngôn với Luận Ngữ không khác nhau, thì Thái Huyền với Dịch
cũng thế. Nhà lớn sắp đổ, một cây gỗ chống sao bằng nhiều cây gỗ chống,
còn vững hơn. Đạo lớn sắp tối, một quyển sách biện giải, sao bằng nhiều
quyển sách biện giải, còn rõ hơn. Kẻ học giả nên chuyên tinh được Kinh
Dịch
, thì thật là đủ rồi, song Kinh Dịch là trời, mà sách Thái Huyền là cái
thang, sao muốn lên trời mà lại bỏ cái thang? Tiên nho cắt nghĩa sách Thái
Huyền
đã nhiều, song văn của Dương Tử phần nhiều thuộc về lối huấn hỗ, ý
nghĩa đã sâu xa, mà sách Thái Huyền lại là thứ văn sâu xa khó hiểu hơn
nữa. Cho nên ta ngờ rằng những lời giải thích của tiên nho, chưa chắc đã
hợp hết bản chí của Dương Tử. Đời tất có người thông hiểu được văn
Dương Tử. Vậy thì ta cứ học sách ấy cho đến già đời”.
Xem bài tựa của Tư Mã Quang thì đủ rõ sách Thái Huyền không phải là
sách xem qua mà hiểu được. Vì sách ấy bàn về cái lý cao viễn, mà phần
nhiều những học giả trong Nho giáo chỉ chú trọng phần thiển cận mà thôi,
cho nên mới bỏ sách ấy mà chỉ trọng sách Pháp ngôn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.