NHO GIÁO - Trang 40

Trước đời Xuân Thu thì những nhà nho học gọi là sĩ thuộc quyền quan Tư
đồ. Những người sĩ do quan tư đồ chọn lấy cho đi du học văn chương và lục
nghệ là: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, để dùng làm quan coi việc nước. Bởi
vậy sách Hán thư nghệ văn chí nói rằng: Nho giáo do ở quan tư đồ mà ra.
Từ cuối đời Xuân Thu trở đi, Khổng Tử đem phát huy cái học thuyết của
Nho gia và định rõ những điều như là:
1. Nói về cuộc biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến vận mệnh của nhân loại.
2. Nói về các mối luân thường đạo lý ở trong xã hội.
3. Nói về các lễ nghi trong việc tế tự trời đất, quỉ thần.
Những điều ấy thành ra cái thế lực rất to, có ảnh hưởng đến tư tưởng và
hành động của cả nhân chúng trong xã hội. Bởi vì những điều ấy chính là
điều cốt yếu của một tông giáo, cho nên từ Khổng Tử trở đi, mới gọi cái
học của Nho gia là Nho giáo, và mới tôn Khổng Tử là tị tổ của Nho giáo.
Đại khái chính trị, phong tục, học thuật tư tưởng của người Tàu về đời
thượng cổ nói tóm lại là thế. Người Tàu sớm biết nghề canh nông, cho nên
mới lấy việc làm lịch làm quan trọng. Phần thì để cho dân biết thời tiết mà
làm ăn, phần thì để sai khiến dân làm công kia việc nọ cho phải thời, khỏi
ngăn trở sự cày cấy. Bởi vậy người đời cổ hay xem xét thiên sự. Song người
Tàu vốn có tính chuộng sự thực tế, xem việc Trời là chủ đích để làm việc
người. Vì thế cho nên bao nhiêu những học thuyết và tư tưởng đều chủ vào
đạo đức luân lý cả. Chỉ hiềm một nỗi là đạo ấy không phổ thông, thành ra
dân gian vẫn đắm đuối ở những điều huyền hoặc của bọn vu hích. Đến đời
Xuân Thu, nhà Chu đã suy nhược, thiên hạ rối loạn, cái trật tự cũ đổ nát cả.
Bấy giờ các học thuyết hưng khởi lên, thành ra mới có một thời đại rất thịnh
về đường học thuật và tư tưởng vậy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.