NHO GIÁO - Trang 419

điều yết diệu tinh vi đều chính đáng cả, xưa nay không di dịch. Duy có
thánh nhân mới có thể biết hết được, mà những việc làm, lời nói của thánh
nhân không có điều gì là không làm phép tắc cho thiên hạ và đời sau. Ai
thuận theo là quân tử mà cát, ai trái không theo là tiểu nhân mà hung. Cái
điển tích rõ ràng, cái hiệu quả tất nhiên, điều gì cũng đủ ở trong kinh huấn
sử sách. Muốn cùng cái lý của thiên hạ, mà không lấy đó mà tìm, thì chính
là ngoảnh mặt vào tường mà đứng vậy. Vì thế mà sự cùng lý phải bởi sự
đọc sách vậy”. Ông tin rằng các lý tự nhiên là thánh hiền đã nói cả trong
sách, cho nên mới nói rằng: “Đọc sách để xem cái ý của thánh hiền, nhân
cái ý của thánh hiền để xem cái lý tự nhiên”. Thành thử hai chữ cùng lý của
ông chỉ chủ ở sự đọc sách vậy. Cái ý kiến ấy có phần hẹp hòi, là vì lý thì có
vô cùng chi lý, mà sách thì chỉ bàn được những việc hữu hạn; lấy cái hữu
hạn mà xét cái vô cùng, thì sao cho xiết được. Bởi cái tư tưởng ấy cho nên
cái học của ông về sau thành ra câu thúc, không mở mang ra được.
Đọc sách. Chu Hối Am lấy cái nghĩa cùng lý ấy mà bàn về việc đọc sách.
Ông nói rằng: “Cái đạo của sự học, không gì trước sự cùng lý được. Cái cốt
yếu của sự cùng lý tất là ở sự đọc sách. Cái phép đọc sách không gì quý hơn
là sự tuần tự mà thấu tới chỗ tinh vi, mà cái gốc sự thấu tới chỗ tinh vi, thì
lại ở sự kính mà trì thủ cái chí”. Đọc sách tức là phải học cho thuộc những
điều mình đọc, cho nên ông nói rằng: “Xem sách trước hết phải đọc cho
thuộc, khiến những lời trong sách đều như là tự ở miệng mình nói ra, rồi
nghĩ cho kỹ, khiến các cái ý đều như là ở tâm mình mà ra, nhiên hậu mới có
cái sở đắc. Còn cái văn nghĩa, mà có điều ngờ, mọi thuyết bối rối thì cứ hư
tâm tĩnh lự, chớ vội lấy hay bỏ, Trước hãy để thuyết nào riêng ra thuyết ấy,
mà theo xem cái ý đi đến chỗ nào, để nghiệm sự thông, sự tắc, như thế thì
những điều nào rất không có nghĩa lý, không đợi xét ở thuyết khác mà nó
phải tự khuất. Sau lấy các thuyết mà xét xem cái lý sở an ở đâu để tìm cái
phải, cái trái, như thế thì những điều giống như là phải mà thật không phải,
sẽ bị sự suy luận công nhiên làm cho không đứng được. Đại để, cứ đi thong
thả từng bước, ở chỗ tĩnh mà xem chỗ động, như đẽo cây gỗ cứng, phải
trước đẽo chỗ dễ rồi sau đẽo chỗ khó; như gỡ cuộn dây rối, chỗ nào gỡ
không được thì để thong thả tìm cách mà gỡ. Ấy là phép đọc sách vậy.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.