NHO GIÁO - Trang 425

việc làm mà thôi, đến Khổng Tử mới giảng diễn và trước thuật làm thành
học thuật. Từ Khổng Tử về sau, cái học thuyết đạo đức tuy gọi là theo
Khổng Tử mà chiết trung, song còn có lúc ly, lúc hợp, không nhất định, đến
Chu Hối Am mới đem những điều của mình sở kiến ở trong Khổng giáo mà
sửa sang chỉnh đốn lại, thành ra có cái phạm vi nhất định. Cái đạo của
Khổng Tử ở vào thời đại Đổng Trọng Thư thì bất quá mới có đủ cái hình
thức tông giáo mà thôi, đến thời đại Chu Hối Am mới xác lập thành cái uy
quyền của tông giáo.
“Học thuật của Chu Hối Am, gần thì lấy Hoành Cừ, Y Xuyên làm gốc, và
lấy Liêm Khê, Minh Đạo mà phụ thêm vào; xa thì lấy Tuân Khanh làm gốc,
mà dùng lời nói thì hay lấy ở Mạnh Tử ra, để giải thích lời của Khổng Tử,
mà lập thành ra một Khổng giáo từ nhà Tống về sau. Đối với những thuyết
đã có từ Khổng Tử về trước, thì ông đem giải thích ra cho thông và cho
đúng với Khổng giáo; đối với những học thuyết từ Khổng Tử trở về sau
mới có, thì ông lấy Khổng giáo làm chuẩn đích mà phân hơn kém. Ông
nghiên cứu rất cần, trước thuật rất nhiều, đồ đảng rất đông, so với các nho
giả trước đời trước đã là không ai kịp, mà cái học thuyết của ông thì chủ ở
sự sửa điều ác hơn vui điều thiện, giữ phép ở ngoài hơn là trực đạt ở trong,
độc đoán hơn là hoài nghi, câu nệ danh nghĩa hơn là được thực lý, tôn trật
tự hơn là tìm cách tân, cho hiện tại hòa bình hơn là hy vọng vị lai. Ông thật
là người đích tự của cái tư tưởng phương bắc từ xưa, rất thích hợp với cái
tập quán của phần nhiều người Tàu, lại tiện cho kẻ có quyền thế dễ lợi
dụng. Bởi thế mới nhờ được cái thế lực của khoa cử mà thịnh hành từ nhà
Minh về sau vậy”.
Đó là những lời nghị luận của người đời xưa và người đời nay đã phê bình
cái học thuyết của Chu Hối Am, Cái học thuyết ấy rất tinh vi, khuôn phép,
rất nghiêm trang, sự khảo cứu rất kỹ càng, những điều giải thích rất tường
tận, làm cho Khổng giáo từ đó thành ra một tông giáo rất tôn nghiêm.
Nhưng cái học ấy chỉ chuyên về một mặt công truyền, chủ lấy tìm cái lý
nhất định của các sự vật ở ngoài, thành ra bỏ những cái học tâm truyền là
cái học “vô ngôn” rất uyên thâm của Khổng giáo, cho nên cái học của ông
có nhiều chỗ không đạt tới cái nghĩa “nhất quán” của Khổng Tử.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.