NHO GIÁO - Trang 442

Nói rút lại, Lục Tượng Sơn đem cái học đã mất hơn một nghìn rưỡi năm
của Mạnh Tử mà phát minh ra ở đời, để sửa lại sự lầm lỗi của tục học, mờ
mịt ở chỗ từ chương huấn hỗ, chìm đắm ở trong vòng khoa cử. Ông ra sức
đem học giả vào con đường đạo đức, thiết thực, dùng cái lương tâm sáng
suốt mà thù ứng với mọi sự vật, lấy cái linh thức, tức là cái trực giác mẫn
nhuệ, mà hiểu biết cái chân lý ở trong vũ trụ; ông lại tự mình thí nghiệm cái
học ấy ở trong việc chính trị, thành được cái hiệu quả rất hay. Chỉ tiếc vì đời
bấy giờ sùng thượng cái học của Trình Y Xuyên và Chu Hối Am, cho nên
cái học cũng chỉ được một thời rồi về sau không thịnh hành được.
Lục Tượng Sơn thường nói rằng: “Nay những học giả trong thiên hạ chỉ có
hai con đường, một đường là vụ lấy sự phác thực, một đường là vụ lấy sự
nghị luận”. Đường phác thực thì chỉ cốt thu thập tinh thần, hàm dưỡng đức
tính, để giữ vững cái căn bản là cái tâm. Cái học ấy quan thiết đến sự thực
tiễn, chứ không hệ lụy về đường ngôn ngữ văn tự. Đường nghị luận thì trái
lại, chỉ vụ lấy ván tự mà bàn những điều không ngôn không quan thiết đến
thực lý.
Cái học phác thực là cái học của Lục Tượng Sơn; cái học nghị luận là cái
học của Chu Hối Am. Một bên học để cầu lấy biết mà làm, một bên học để
cầu lấy biết mà nói. Biết mà làm là rất khó, phải có cái chí rất bền mới thực
hành được những điều mình đã học; biết mà nói thì chỉ cần có trí thuật là
đủ, nhưng thường là chỉ có hư mà không có thực. Bởi thế cho nên cái kết
quả sự học nghị luận của Chu Hối Am về sau thành ra cái học hư văn, rất
hại cho sự tiến hóa.
Dẫu thế nào mặc lòng, nếu học giả biết theo như lời Chu Hối Am, kiêm
được cả cái sở trường của hai bên, thì có lẽ sự học của Nho giáo không đến
nỗi dở. Song người đời phần nhiều đi học là chỉ vụ lấy sự danh lợi, mà cái
học nghị luận lại là cái học thế thượng, trên có nhà vua bảo hộ, dưới thích
hợp với lối học trường ốc, cho nên các học giả đều khuynh hướng về cái
học ấy. Chỉ trừ những bậc có thiên tư dĩnh ngộ, thấy rõ đạo lý, mới quyết
chí về đường tu dưỡng, còn ngoại giả là chỉ đua theo thói đời, mượn tiếng
thánh hiền, để đi cho tới đường lợi lộc. Bởi vậy cái danh thì có, mà cái thực
thì không.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.