NHO GIÁO - Trang 47

Trước Ngài tưởng rằng vua nước này không dùng thì có lẽ gặp vua nước
khác dùng được, vậy nên Ngài đi hết nước nọ qua nước kia. Trong mấy ông
vua đã đón rước Ngài, ông thì thấy công việc nhiều quá, sợ làm không nổi,
nói thoái thác là tuổi đã già rồi, thi hành cái đạo của Ngài không kịp nữa.
Ông thì bị quan đại phu sợ Ngài làm mất quyền lợi, cố tìm cách ngăn trở.
Vả thời bấy giờ vua các nước chư hầu còn muốn lấn quyền của thiên tử,
quan đại phu còn muốn lấn quyền của vua chư hầu, mà cái chủ nghĩa của
Khổng Tử thì lại cố tôn phù nhà Chu để giảm bớt cái quyền của các nước
chư hầu, giữ quyền vua chư hầu mà bớt quyền các quan đại phu. Ngài nói
rằng: “Thiên hạ hữu đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất; thiên hạ
vô đạo, tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất

天下有道,則禮樂征伐自

天子出;天下無 道,則禮樂征伐自諸侯出: Thiên hạ có đạo thì việc lễ
nhạc chinh phạt do ở thiên tử mà ra; thiên hạ vô đạo thì việc lễ nhạc chinh
phạt do ở chư hầu mà ra”. Hay là: “Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại
phu

天下有道,則政不在大夫: Thiên hạ có đạo, việc chính trị không ở

quan đại phu” (Luận Ngữ: Quý thị XVI). Cái chủ nghĩa của Ngài như thế,
tất là phản đối với cái quyền lợi của các vua chư hầu và các quan đại phu,
cho nên Ngài đi đến đâu, các nước vì danh nghĩa mà trọng đãi, nhưng kỳ
thực không ai muốn dùng Ngài, mà có ông nào muốn dùng Ngài nữa thì
cũng bị quan đại phu ngăn trở đi, không cho dùng. Vì vậy cho nên Ngài đi
chu du khắp thiên hạ mà không tìm được chỗ nào để thi hành cái đạo của
mình. Cái chủ nghĩa của Ngài là cái chủ nghĩa của những người nho học cốt
ở sự hành đạo. Ai có tài có trí thì phải ra ứng dụng ở đời để làm những điều
ích lợi cho nhân chúng, chứ không phải là chỉ cầu lấy sự an nhàn ở chỗ ẩn
dật và sự vui thú trong vòng tư tưởng. Vậy nên cái chí của Ngài là muốn ra
làm quan để thực hành cái đạo của mình. Vả cái tình trạng nước Tàu lúc
bấy giờ rất là rối loạn, lòng người ngao ngán, Có người thấy thế sự điên đảo
quá nỗi, tưởng không sao vãn hồi lại được, bèn đề xướng lên cái chủ nghĩa
yếm thế, bỏ việc đời phó mặc trời xanh, lấy sự an nhàn làm vui thú. Có
người thì theo cái chủ nghĩa phá hoại, không thiết gì đến cương thường đạo
lý nữa. Trong khi những nhà tư tưởng xướng lập lên những chủ nghĩa tiêu
cực như thế, Khổng Tử muốn đem cái chủ nghĩa tích cực cứu thế mà biến

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.