NHO GIÁO - Trang 489

Tâm đã thuần nhiên là thiên lý, không có nhân dục lẫn vào, thì biết rõ thế
nào là nhân, là nghĩa, là lễ. Nhân: “Nhân thị tạo hóa sinh sinh bất tức chi lý
仁是造化生生不息之理: Nhân là cái lý của tạo hóa sinh sinh không thôi;
“Bởi cái lẽ theo lý mà sinh sinh ra mãi, cho nên kẻ nhân giả lấy thiên địa
vạn vật làm nhất thể. Nghĩa: “Tâm đắc kỳ nghi vi nghĩa

心得其宜爲義:

Tâm được cái phải là nghĩa” (Văn lục, II). Lễ: “Lễ tự tức thị lý tự

禮字即是

理字: Chữ lễ tức là chữ lý” (Ngữ lục, I). Lễ là lý, thì điều gì hợp với tâm là
lễ. Hễ trái với tâm, mà lại cứ nhắm mắt mà câu nệ theo cổ, đó là phi lễ chi
lễ.
Dương Minh cho là nhân, nghĩa, lễ, trí, đều ở tính mà ra cả, cho nên nói
rằng: “Lễ là lý vậy, lý là tính vậy, tính là mệnh vậy. Duy cái mệnh của Trời
sâu xa không cùng: ở người ta thì gọi là tính, sán nhiên mà có điều lý gọi là
lễ, thuần nhiên thật là thiện gọi là nhân, tiệt nhiên mà tài chế gọi là nghĩa,
chiêu nhiên mà minh giác gọi là trí. Cái mệnh ấy hồn nhiên ở cái tính, thì
cái lý có một mà thôi. Cho nên nhân là cái thể của lễ, nghĩa là cái phải của
lễ, trí là sự thông suốt của lễ” (Văn lục, IV).
Lý ấy, mệnh ấy, tính ấy, đều ở cả cái tâm, học giả chỉ nên tìm ở tâm, thì hiểu
rõ các vật lý. Vật lý không ngoài được cái tâm của ta, ngoài cái tâm của ta
là không có vật lý gì cả. Thánh nhân sở dĩ hơn người là vì có cái tâm thuần
nhiên là thiên lý, lúc nào cũng như cái gương soi vào đâu cũng rõ. Cho nên
nói rằng: “Thánh nhân chi tâm như minh kính, chỉ thị nhất cá minh, tắc tùy
cảm nhi ứng, vô vật bất chiếu

聖人之心如明鏡,只是一個明,則隨感而

應,無物不照: Cái tâm của thánh nhân như cái gương sáng. Chỉ là một cái
sáng, thì cứ tùy cảm mà ứng, không có vật gì mà không chiếu rõ” (Ngữ lục,
I).
Cái tâm của thánh nhân và cái tâm của người thường cũng một cái tâm,
những tâm của thánh nhân như cái gương sáng, mà tâm của người thường
thì như cái gương để bụi che mờ, chiếu không rõ nữa. Vậy nên sự học của
người ta là phải giữ cái tâm, như phải lau cái gương luôn cho sáng, để có
vật gì qua cũng thấy rõ. Đó là phần rất trọng yếu trong cái học của thánh
nhân, cho nên nói rằng: “Thánh nhân chi học, tâm học dã

聖人之學,心學

也: Cái học của thánh nhân là tâm học vậy” (Văn lục, IV).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.