NHO GIÁO - Trang 554

“xuất xử, khứ tựu, từ thụ, thủ dữ”, là thuộc về phần hình nhi hạ học. Cái
lầm của phái Diêu Giang là ở chỗ gốc làm ngọn, đem cái phần hình nhi
thượng làm công giáo mà dạy hạng trung nhân dĩ hạ, cho nên mới hóa ra sự
học rất dở ở cuối đời nhà Minh vậy.
Cố Đình Lâm không phân biệt rõ chỗ ấy, cho nên lời phê bình của ông chỉ
dùng về mặt hình nhi hạ học mà không đúng về mặt hình nhi thượng học.
Nho giáo sở dĩ là cái học thuyết hoàn toàn, rất cao minh và rất thiết thực, là
bởi có thượng học và hạ học điều hòa với nhau, không thiên lệch về bên
nào cả. Thượng học để làm căn bản cho hạ học. Nhưng thượng học không
phải là cái học để truyền bá cho ra công chúng: sự nhân sinh nhật dụng là
thuộc về hạ học, tất phải lấy những điều cương thường đạo lý làm chuẩn
đích, lấy việc liêm sỉ làm giới hạn. Nếu bỏ những điều ấy mà vụ lấy sự
phóng tứ hư vô, thì làm thế nào mà không thành ra cái học hoang phiếm
được.
Cố Đình Lâm thấy rõ cái lầm ở chỗ ấy, cho nên ông đốc chí ở sáu Kinh, lấy
làm căn bản của sự học. Ông tuy không công kích Trình, Chu, nhưng không
nhận có cái lý học độc lập. Ông nói rằng: “Xưa nay sao lại biệt ra một cái
học gọi là lý học được? Kinh học tức là lý học vậy, Từ khi bỏ Kinh học mà
nói lý học, thì cái tà thuyết khởi lên. Không biết rằng bỏ Kinh học đi, thì cái
mà gọi là Lý học tức là Thiền học”. Kinh học tức là Lý học, đó là lời để làm
biểu hiệu cho học phái của ông lập ra vậy. Ông lấy cái học theo nghĩa sách
trong sáu Kinh để chữa cái học hoang phiếm của người đương thời.
Cái học của Cố Đình Lâm có ba điều rất đặc biệt. Một là không mô phỏng
đời trước. Ông nói ở trong sách Nhật tri lục rằng: “Người trong đời nhà
Minh, hễ làm sách là không có điều gì không cắp nhặt”. Ông cho việc làm
sách là việc rất khó. “Hễ đời xưa chưa bàn tới, mà đời sau không thể không
có được, thì mới nên làm”. Ông theo cái phương châm ấy mà làm sách Nhật
tri lục
, cho nên ông nói ở trên bài tựa rằng: “Ta đọc sách từ thuở nhỏ, biên
chép ra nhiều chỗ, nhưng sau có chỗ nào không hợp thì sửa lại, hoặc có chỗ
cổ nhân đã nói trước ta rồi, thì bỏ đi”. Lối làm văn của ông cũng không bắt
chước người đời xưa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.