thể nói hai chữ Vô Cực ấy không phải là đạo của họ Khổng, nhưng theo
phần hình nhi thượng mà nói cái ý vô cực thì cũng không phải là sai. Tuy
nhiên, lời Phan quân cũng đúng như lời Lục Tượng Sơn đã bác cái thuyết
vô cực của Chu Liêm Khê. Có một điều nên biết là Tống nho tuy có nhiều
điều sai lầm, nhưng cái học thuyết Tống nho có phần cao và sâu hơn của
bọn Hán nho và Đường nho, là vì Tống nho đạt tới cái học hình nhi thượng
của Khổng giáo. Vậy nói rằng Tống nho không phải là Khổng giáo thì tôi sẽ
là xét không đến.
Phan tiên sinh nói rằng cái chân lý của vũ trụ như cái chén bạc chưa mở.
Bởi vì tạo hóa huyền bí khó biết, cho nên từ xưa đến nay bao nhiêu nhà học
giả tìm không ra mối, thành thử mỗi người đoán ra một cách. Điều ấy đã dĩ
nhiên rồi, ai chẳng biết! Nhưng có phải là vì sự cố gắng mà tìm tòi cái
huyền bí ấy của nhân loại mà làm cho cái phẩm giá của người ta cao lên, và
cái học thức của người ta rộng ra không? Cái lối của bọn hủ nho là chỉ bo
bo ở chỗ thiển cận trước mắt, chứ không bao giờ đem cái tư tưởng lên cao
được một chút, rồi cho là những việc siêu việt không sao biết được. Bởi vậy
cho nên cái nho học của mình mỗi ngày một thấp xuống. Ngày nay ta đã
trông thấy cái lưu tệ ấy rồi, lẽ nào ta lại cứ cái lối hủ bại ấy mà học hay sao?
2. Phan tiên sinh lại nói rằng ta nên đem so sánh Khổng học với tây học,
nhưng không nên nói cái này tức là cái kia, v.v. Bản ý của tôi là đem Khổng
giáo so sánh với các học thuyết bên tây cũng là theo cái ý kiến ấy, vả lại
cũng chỉ nói qua cái đại lược, xét một vài điều tương tự như nhau mà thôi,
để độc giả biết cái sở đồng, sở dị, chứ không bao giờ tôi nói cái học thuyết
ấy tức là cái học thuyết nọ. Điều ấy có lẽ Phan quân phán đoán hơi vội vàng
cho nên mới nói thế. Huống chi cổ nhân có chữ: “Đông hải hữu thánh nhân
xuất yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã. Tây hải hữu thánh nhân xuất
yên, thử tâm đồng dã, thử lý đồng dã
東海有聖人出焉,此心同也,此理
同也。西海有聖人出焉,此心同也,此理同也”, Vậy biết đâu lại không
có chỗ đúng.
Còn những danh từ triết học thì tôi vẫn biết rằng Đông, Tây dùng khác
nhau, mà đến ngay như ở bên Tây mỗi một nhà triết học dùng một danh từ
riêng. Cùng một tiếng mà có khi mỗi nhà dùng riêng một nghĩa khác, thậm