chí khi muốn xem một cái học thuyết như của Khổng Đức (Comte) hay là
của Khang Đức (Kant) độc giả phải học những danh từ riêng của những nhà
ấy, rồi mới xem được. Tôi dùng chữ trực giác để cắt nghĩa chữ lương tri
của Mạnh Tử, là có ý để cho những người tây học dễ hiểu. Vì chữ trực giác
và chữ lương tri có cái nghĩa tương tự nhau. Mạnh Tử nói lương tri mà
Khổng Tử không nói lương tri. Thế mà cái học của Mạnh Tử vẫn không
hợp với cái học của Khổng Tử. Khổng Tử là một bậc thánh nhân muốn “bất
ngôn nhi giáo
不言而教”, cho nên tuy lời nói ít mà ý tứ nhiều. Ngài không
có lương tri nhưng cái học của Ngài chủ ở chữ nhân. Mà chữ nhân thì tôi đã
giải thích ở thiên hình nhi thượng học tức là cái lương tri ở trong đó rồi.
Bởi vì đời sau bỏ mất cái nghĩa sâu xa chữ nhân của họ Khổng cho nên cái
tinh thần Khổng giáo mới sai đi.
Chữ trực giác là một chữ mới của người Nhật và người Tàu dịch chữ
intuition của Tây ra để chỉ cái năng lực biết rất nhanh rất rõ, hoặc về những
sự vật, hoặc về những điều quan hệ với trí tuệ, hoặc về những điều quan hệ
đến đạo lý. Bởi vậy cho nên chữ intuition có ba nghĩa. Một là nói về trực
giác đối với sự vật, thì gọi là intuition sensible; hay là nói về trực giác đối
với trí tuệ, thì gọi là intuition intellectuelle; ba là nói về trực giác đối với
đạo lý thì gọi là intuition morale. Nay ta lấy chữ trực giác mà chỉ nghĩa chữ
lương tri cũng không là sai, vì rằng Mạnh Tử giải nghĩa chữ lương tri là
“bất lự nhi tri
不慮而知: Đã không nghĩ mà biết” thì muốn gọi lương tri
hay là trực giác cũng đồng một ý, hà tất phải phân biệt chữ mới chữ cũ.
Phan tiên sinh nói rằng lương tri nói về tánh. Trước hết phải nên hiểu chữ
tánh của ta thường dùng với chữ tánh của Mạnh Tử khác nhau lắm. Ta
thường gọi tánh là sự khuynh hướng về thiện, về ác, tức là gồm cả nết hay,
nết dở của người ta. Mạnh Tử gọi tánh là cái lý bản nhiên của trời phú cho
người ta, tức là cái bản thể của tâm, nói cách khác là cái thần minh sáng
suốt, khiến ta biết rõ những điều nhân, nghĩa, lễ, trí. Lương tri là cái biết tự
nhiên về những điều về nhân, nghĩa, lễ, trí ấy, mà những điều ấy gồm cả trí
tuệ và đạo lý. Thế mà Phan quân lại nói rằng lương tri chỉ nói về tánh, còn
trực giác là cách nhận biết của nhà triết học, nói như thế thì thật tôi không
hiểu.