thức giả chán nản về khoa học, muốn tìm ra một lối thích hợp với nhân đạo
hơn lối sinh hoạt hiện thời.
Ta nay thấy người cường thịnh, thì ai ai cũng háo hức theo người, biết đâu
rằng cái cường thịnh ấy lại không có cái nguy cơ đã nằm sẵn đó rồi. Bởi
vậy những người thức giả thường lấy làm lo. Tôi nói thế không phải là tôi
bảo người mình không theo khoa học, nhưng tôi chỉ muốn người minh theo
khoa học mà đừng bỏ mất cái tâm học của mình thì rồi mới có lợi được.
Phan quân lại nói Khổng giáo chỉ nói cái lẽ đương nhiên
當然 mà không
nói cái lẽ sở dĩ nhiên
所以然. Là vì Khổng giáo đã không nhận có cái định
lý, thì chỉ nói được cho ta biết cái lẽ đương nhiên mà thôi, còn cái lẽ sở dĩ
nhiên là mỗi thời một khác, người học giả phải biết tùy thời mà ứng biến,
cốt nhất là lúc nào cũng tự cường bất tức để gây nên một cái thế lực tương
đương mà đối phó với đời. Ta ở đời nào ta phải lấy cái lẽ sở dĩ nhiên đời ấy,
chứ đừng có thấy người ta làm sao mình bào hao làm vậy. Nếu người mình
mà giữ cái thói ấy mãi, thì dẫu có theo khoa học cũng chẳng có ích gì, suốt
đời chỉ đi nhặt những cái bã của người ta đã vứt ra mà thôi.
Bốn chữ cách vật trí tri
隔物致知 của Khổng giáo tuy chưa phải là khoa
học, nhưng chính là cái ý nghĩa khoa học. Những nhà học giả như Vương
Dương Minh đem mấy chữ ấy cho vào tâm học, không phải là không có giá
trị. Song vì ông chú ý về một mặt tâm học, cho nên ông mới nói như lời ông
viết cho La Khâm Thuận. Nếu ta đem cái nhãn giới triết học cao lên mấy độ
nữa, thì ta biết cái học của họ Vương không phải là cái học tầm thường.
Điều đó xin để khi nào bàn đến cái học họ Vương ta sẽ nói chuyện.
Còn cái lối dùng trực giác là chính cái thần bí của những nhà khoa học.
Nhờ có cái trực giác cho nên các nhà khoa học mới tìm ra những cái rất
huyền bí và sáng tạo ra được nhiều cái rất tinh xảo. Song khi dùng trực giác
ta phải dùng cái lý trí chính đáng mà kiểm duyệt lại. Đó là nói qua để Phan
quân nghe mà thôi, chứ nói cho hết lẽ, thì dài quá. Thì giờ ít xin Phan quân
miễn cho.
6. Sau cùng Phan tiên sinh cho tôi cắt nghĩa chữ quân
君 là miễn cưỡng và
tiên sinh nói rằng hai chữ trung quân không hợp thời. Điều đó, khi tôi viết,
tôi cũng đã biết có người không nghe ra. Ý tôi nói chữ quân tức là nói chữ