chủ
主. Khi xưa các dân tộc mới nhóm lên, ai có thế lực gìữ được một chỗ
nào thì làm chủ chỗ ấy, người giữ cái ngôi ông chủ ấy thì gọi là quân. Vậy
chữ quân với chữ chủ là một nghĩa. Nhưng quân thì nói về đường chính trị,
mà chủ thì dùng về việc gì cũng được.
Đã có xã hội là phải có quân cho nên Tuân Tử nói rằng “Quân giả quần dã
君者羣也”, có quần mà không có quân thì thành ra loạn. Cái quyền của
ngôi quân, hoặc do thế lực của một nhà chiếm lấy, hoặc do nhân chúng
công nhận mà trao cho. Bởi chưng nhân chúng khi xưa không mấy khi biết
lợi dụng cái quyền của mình mà cử lấy người ra giữ ngôi quân, thường là
chỉ bị những nhà có thế lực chiếm lấy. Khi những nhà đã chiếm được cái
ngôi cao ấy, xưng là đế, là vương, và giữ lấy ngôi cao ấy làm của riêng
mình, bắt thần dân phải phục tùng mình.
Khổng giáo phát minh ra trong thời đại chỉ biết có đế, có vương cho nên
cũng nhận những bậc ấy làm quân, và dạy những bậc ấy phải làm chức vụ
của mình, nghĩa là phải bảo dân. Khổng giáo cho cái quân quyền là cái thần
khí, làm chủ sự trị loạn của nhân dân, cho nên mới nói trung quân chứ
không nói trung vương hay trung đế, vì khi mà bậc vương bậc đế nào đã
lạm dụng cái quân quyền mà chuyên chế quá độ thì người nào được lòng
dân thì được phép trừ bỏ bậc vương bậc đế ấy đi. Bởi vậy cho nên Mạnh Tử
nói rằng: “Chỉ nghe nói giết một đứa Trụ, chứ không nghe nói giết vua bao
giờ”. Về sau ta theo lối chuyên chế mà hiểu cái nghĩa trung quân hẹp đi cho
nên mới nói trung quân là trung với nhà làm vua. Song Khổng giáo có dạy
rằng: “Người trung thần là người tòng đạo, bất tòng quân” chính là để chữa
cái hẹp của quân vậy.
Đã nói quân quyền tức là chủ quyền, cho nên những dân tộc bị bọn đế
vương áp chế thái quá mới nổi lên trừ bỏ bọn ấy mà giữ lấy cái quân quyền.
Cũng vì thế cho nên khi dân nước Pháp dựng lên cuộc cách mệnh bèn
xướng lên cái chủ nghĩa “souverain peuple” tức là dân giữ quân quyền.
Khi nhân chúng đã nhận cho một người, hay cho cả dân được giữ cái quân
quyền, thì người cả nước phải phục tùng cái mệnh lệnh những người đã
được giữ cái quân quyền ấy. Nếu không thì thành ra loạn. Người trong nước
trung với cái quân quyền đã định, là cái chính thể vững, không trung với cái