Thiết tưởng nói điều phải, có nhiều cách nói, nếu mình lấy cái thái độ thanh
nhã ôn hòa mà nói, thì ai chẳng muốn nghe, Phàm khi đã bàn đến những
điều nghĩa lý, thì ta phải lấy cái nghĩa công chính mà nói, chứ không để ý
vào sự cầu thắng. Vì đã có cái ý cầu thắng, thì tất là động khí, mà đã động
khí thì còn bàn thế nào được cái trung chính của đạo lý nữa. Thế mà có
nhiều người hễ biện luận điều gì là lấy cái tư ý của mình đối với cá nhân,
rồi nói những lời như cãi nhau ở ngoài đường, vậy mà trách người ta không
đáp lại, chẳng hóa ra không công bình lắm hay sao? Đây là tôi nói cái thói
thường của phần nhiều người như thế, chứ không nói gì đến Phan tiên sinh.
Vậy cứ ý tôi, ta nên trách cả hai bên, thì mới phải.
Còn như tiên sinh bảo cho biết rằng sau này có những người tài giỏi, học
lực chắc chắn, sẽ công bố cái bình dân chủ nghĩa mà đánh đổ cái học thuyết
của bọn học phiệt thì tôi lấy làm mong lắm. Nêu được thật như thế, nước ta
sẽ có cái hạnh phúc lớn lắm vậy. Miễn là khi hai bên đối địch chỉ dùng công
lý mà tranh luận, chứ không lấy tư ý mà công kích nhau, thì còn gì có ích
lợi cho sự học vấn bằng nữa. Trong nước mà “đạo tịnh hành nhi bất tương
bội
道并行而不相倍” thì hay là dường nào! Chỉ đáng sợ nhất là cái học tôn
nhất, rồi cứ dùng thế lực mà đè nén mất sự ngôn luận tự do thì cái học ấy
dẫu hay đến đâu rồi cũng hóa ra dở.
Phàm người nào đã có một chút tư tưởng, thì ai cũng muốn tìm cái chân lý
cả, nhưng chân lý ở trong vũ trụ nó thiên hình vạn trạng, mỗi lúc một khác,
thời xưa nó hiện ra thế ấy, thời nay nó biến ra thế này, rồi sau đây nó lại
biến ra thế khác nữa, ta chưa biết. Ta tìm là chỉ tìm được cái chân lý tỉ hiệu
mà thôi; còn cái chân lý tuyệt đối thì ta càng tìm lại càng không thấy đâu
cả. Tuy nhiên hình như nó vẫn có, cho nên ai đã hoài bão một cái chủ nghĩa
nào, thì không bao giờ là không tự tin rằng ta đã nắm được nó rồi, ngờ đâu
đến khi xét kỹ lại, thì nó vẫn ở đâu, chứ không ở trong tay mình, Bởi thế tôi
tưởng nên theo cái học của họ Khổng, cứ lấy cái tâm khuếch nhiên thái
công mà suy xét mọi việc, lấy lòng trung chính mà đối phó với cái sự vật,
họa may có tới gần đến cái chân lý ấy chăng. Ta thấy thế nào ta tả nó ra thế,
người khác thấy thế nào cũng tả ra thế. Hai bên tuy có khi khác nhau nhưng
đổ chung lại, vẫn là mỗi bên có một phần chân lý.