phép công của thiên hạ, người phạm phép là phải trị tội, dẫu là ông Thái
thượng hoàng cũng mặc, có vậy mới là công. Còn trị tội được hay không là
cái thế, nó làm ngăn trở, đó là một lẽ khác. Bởi cái thế mà làm cho cái lý
không thực hành được, là việc trái đạo. Vì trái đạo cho nên mới có chuyên
chế, có hà khắc. Như vậy mà Phan tiên sinh lại nói là: “tình không thuận, lý
không trôi” là nghĩa gì?
Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn phải xem bỏ thiên hạ như bỏ chiếc dép hư”, có
phải là Mạnh Tử bảo vua Thuấn khinh thiên hạ như chiếc dép hư đâu. Chỗ
này Phan tiên sinh xem cũng không rõ nghĩa. Ý Mạnh Tử nói quyền cai trị
thiên hạ là quý thật, nhưng đến khi phải làm việc nghĩa, thì bỏ cái quyền chí
tôn ấy như bỏ cái của đáng vứt đi vậy. Đối với việc nước, thì dẫu mình làm
thiên tử mặc lòng, cha phạm tội, mình không có lý cấm người làm quan giữ
phép mà bắt cha. Nhưng đối với tình làm con, thì cha có tội là con phải cứu
cha, dẫu quyền thế to đến dâu cũng phải bỏ. Bởi vì theo cái tông chỉ Nho
giáo, thì người ta làm chủ thiên hạ là phải có hiếu, có nghĩa mới được; chứ
đã tham danh tham lợi mà bất hiếu bất nghĩa, thì sao cho xứng đáng. Vậy
nên Mạnh Tử nói ở chỗ khác rằng: “Ngô vị văn uổng kỷ nhi chính nhân giả
dã, huống nhục kỷ dĩ chính thiên hạ giả hồ? Thánh nhân chi hạnh bất đồng
dã, hoặc viễn, hoặc cận, hoặc khứ, hoặc bất khứ, quy khiết kỳ thân nhĩ dĩ hỹ
吾未聞枉己而正人,況辱己以正天下者乎?聖人之行不同也,聖人之
行不同也,或遠或近,或去或不去,歸潔其身而已矣” chính là cái
nghĩa ấy vậy.
Phan tiên sinh lại bẻ rằng: “Trốn thì trốn đi đâu mà Cao Dao không bắt
được”. Ý của Mạnh Tử là nói cái lẽ đương nhiên phải như thế, còn trốn
được hay không là việc khác. Nếu trốn không được thì đành chịu phải bắt
với cha, ấy là trọn cái nghĩa của mình rồi. Thánh nhân chỉ dạy người ta làm
việc nghĩa mà thôi, sự thành bại là ở cái mệnh, được thế nào hay thế, miễn
là ta làm được việc nghĩa là được, vả chăng là câu chuyện giả thiết đặt ra
như thế để dạy người ta về đường đạo lý nên làm thế nào, mà chương vấn
đáp của Đào Ứng và Mạnh Tử là một chương có nghĩa lý lắm, ta nên suy
nghĩ cho chín để hiểu cho hết lẽ. Thế mà Phan tiên sinh lại nói nên bỏ đi, thì