thật tôi không biết cái học của tiên sinh thế nào, mà có những ý kiến lạ như
vậy.
3. Phan tiên sinh lấy chương Vạn Chương hỏi Mạnh Tử về việc vua Nghiêu
có lấy thiên hạ cho vua Thuấn được không mà bẻ là Mạnh Tử luận lý có
điều mậu vọng, thì lại càng khó hiểu nữa. Vạn Chương và Mạnh Tử là hai
người học theo tông chỉ của Nho giáo. Mà cái tông chỉ cho thiên hạ là của
chung cả thiên hạ, chứ không phải của riêng gì ai cả. Người làm thiên tử là
người Trời chỉ trao cho cái quyền bính để giữ thiên hạ mà thôi. Ý Vạn
Chương muốn hỏi cho rõ có phải là thiên tử có thể lấy thiên hạ làm của tư
một mình mình, rồi đem cho người khác được hay không. Cho nên mới hỏi
rằng: “Vua Nghiêu lấy thiên hạ cho Vua Thuấn có không?” Mạnh Tử hiểu
rõ ý ấy, trả lời ngay rằng “không” và lại giảng thêm cho rõ hơn nữa rằng:
“thiên tử không có thể lấy thiên hạ mà cho người được”. Cứ cái lý tự nhiên
mà hiểu, thì câu trả lời ấy ăn với câu hỏi lắm, không có cái gì là “biến canh
luận điểm” như Phan tiên sinh nói hết cả. Thế mà theo phép luận lý của tiên
sinh thì các câu trả lời ấy lại phạm vào cái luật “biến canh luận điểm”. Lạ
thật! Câu hỏi có chữ “hữu chư” nghĩa là “có không”, hay là “việc ấy có
không”, câu trả lời rằng “phủ” nghĩa là “không”. Phan tiên sinh luận lý
quanh quẩn thế nào mà rồi lại nói: “Theo đúng luận lý học thì chỗ này
Mạnh Tử phải trả lời việc ấy là có hay không cái đã, rồi nói gì hãy nói. Vậy
thì tiên sinh bảo chữ “phủ” trong câu trả lời của Mạnh Tử nghĩa là gì?
Trước tiên sinh bẻ Mạnh Tử là phạm phép luận lý, thế thì bây giờ người ta
bẻ tiên sinh phạm vào phép gì trong luận lý học?
Vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, cứ thường tình thế là vua Nghiêu
lấy thiên hạ cho vua Thuấn thật. Nhưng theo cái tông chỉ của Nho giáo, thì
thiên hạ là của Trời, tức là của chung cả thiên hạ, vua Nghiêu chỉ nhường
cái quyền trị thiên hạ cho vua Thuấn mà thôi, song Trời không cho tức là
thiên hạ không thuận, vi vua Nghiêu có nhường cũng không được; vì thiên
hạ thuận theo vua Thuấn thế là Trời cho vua Thuấn. Lý ấy rất hợp với cái
tông chỉ của Nho giáo, cho nên Mạnh Tử mới giảng thêm nữa cho Vạn
Chương hiểu rõ cái nghĩa ấy.