lớn nữa không?” Bởi câu ấy có cái nghĩa giả thiết và lại có cái ý hỏi đằng
sau như thế, thì tất là trong câu ấy có ngụ cái ý: “Vậy dép tốt, dép xấu mà
bán đồng giá, thì không ai làm dép tốt nữa”. Sau cùng Mạnh Tử theo cái ý
hiểu ngầm ấy mà kết thúc bằng câu: “Theo cái đạo của Hứa tử, thành ra bảo
nhau mà làm điều giả dối sao có thể trị được quốc gia”. Nếu ta không xét kỹ
cái nghĩa thiết ở trên kia, thì thành hiểu lầm ngay.
Cái nghĩa chương ấy là thế, mà cái học giả xưa nay đều hiểu như thế cả.
Nay Phan tiên sinh không để ý vào nghĩa lý, chỉ nhất thiết lấy văn từ mà bỏ
mất cái tinh thần, thì còn hiểu làm sao được đạo của thánh hiền nữa. Cái
học của Nho giáo cốt ở cái tinh thần, kẻ học giả xét điều gì phải hiểu cho rõ
hết cái ý nghĩa. Các ý nghĩa mà hợp lý thì dẫu văn từ có không rõ, cũng
“bất dĩ từ hại ý
不以辭害意”. Đó là cũng do cái văn từ của Tàu khó viết
cho đúng hết ý mà thành ra. Bởi vậy Mạnh Tử đã nói “Tận tín thư bất như
vô thư
盡信書,則不如無書”' chính là Ngài bảo mình đừng nệ về văn từ ở
trong sách. Một đôi khi ta xem sách, thấy có chữ tối nghĩa, hoặc sai lầm, ta
cũng đừng lấy làm nệ mà bỏ mất nghĩa lý. Mạnh Tử đã dặn ta rằng: “Bất dĩ
văn hại từ, bất dĩ từ hại chí. Dĩ ý nghịch chí, thị vi đắc chi
不以文害辭,不
以辭害志;以意逆志,是為得之” là cốt để răn ta đừng nệ về văn, về từ,
mà làm mất cái ý nghĩa trong những điều rất hay về đạo lý.
Khi tôi bàn cái thống hệ của Nho giáo, tôi nói ở trang 15 sách Nho giáo
rằng: “Muốn tìm cái thống hệ của Nho giáo, thì phải dùng trực giác mà
xem, phải lấy ý mà hội, thì thấy rõ cái mối liên lạc trong các đoạn tư tưởng,
tuy về phần hình thức thì lỏng lẻo, rời rạc, nhưng về phần tinh thần thì suôi
từ đấu đến cuối chỉ là một mà thôi”. Vậy muốn tìm cho rõ các ý nghĩa trong
những lời giáo hối của Khổng, Mạnh cũng phải như thế mới thấy rõ được.
Cái phương pháp luận lý học nó cần cho sự tri thức của người ta lắm, bởi vì
nó dẫn đường chỉ nẻo cho ta tìm cái phải cái hay. Song nó dạy ta biết thế mà
thôi, chứ một mình nó không đủ làm cho ta biết đến chỗ tinh vi, thâm viễn
của chân lý được. Ngay trong Tây học, người hiền triết như Pascal đã nói:
“Ta biết cái chân lý, không những là bởi lý trí mà còn bởi cái tâm nữa”
(nous connaissons la vérité, non seulement par la raison, mais encore par le
coeur). Vậy cái biết của tâm cũng cần lắm, cho nên Nho giáo chú trọng ở sự