Chương ấy có ý nghĩa liên tiếp và sâu xa lắm. Thế mà Phan tiên sinh lại
bảo: “Một chương ấy không cứ cái lý thuyết ra sao, chỉ duy một điều là
không ăn nhập vào câu hỏi ban đầu đã đủ cho là mậu vọng”. Có lẽ là Phan
tiên sinh giỏi khoa luận lý, có những ý kiến cao xa, tôi xin thú thật là không
hiểu được lời tiên sinh bàn.
4. Trong bốn điều của Phan tiên sinh bàn ở số báo 63, một điều bác Khổng
Tử và ba điều bác Mạnh Tử. Điều sau cùng tiên sinh cho những lời Mạnh
Tử công kích cái học [của] Hứa tử là mậu vọng.
Nguyên là Trần Tương nói cái đạo của Hứa Hành về sự “tịnh canh” xong
rồi, nói cái giá nhất định về cái “lượng” (quanhté) tức là cái dài ngắn, nặng
nhẹ, lớn nhỏ mà thôi, chứ không nói đến cái “phẩm”, thế mà cái thuyết của
Hứa tử chỉ nói đến cái lượng chứ không nói đến cái phẩm (qualité), tức là
cái tinh, thô, xấu, tốt, khéo, vụng của mọi vật, phàm vật gì cũng phải gồm
có cả lượng và phẩm, ấy là một cái sở đoản. Mạnh Tử biết cái sở đoản ấy
trong cái học [của] họ Hứa, bèn lấy cái sở đoản ấy mà bác đi. Trong khi hai
người biện luận một điều gì, mà một người thấy cái sở đoản của người kia,
thì có thể nhân đó mà cãi lại, không cần phải nhắc lại những điều người kia
nói mà mình đã cho là phải rồi. Bởi vậy Mạnh Tử nói ngay câu: “Phù vật
chi bất tề, vật chi tình dã, v.v.
夫物之不齊,物之情也: Câu ấy chỉ cái
phẩm của vật là rõ lắm. Ý cả câu ấy là: Cứ theo cái lượng mà bán giá nhất
định đã vậy, còn cái phẩm thì mỗi vật một khác, cái này hơn gấp mấy lần
cái kia. Dẫu cái lượng tuy đồng nhưng cái phẩm có đồng đâu, mà đánh một
giá được. Cái ý ấy đến câu: “Tỉ nhi đồng chi, thị loạn thiên hạ dã
比而同
之,是亂天下也” là hết. Song Mạnh Tử lại muốn nói rõ tại làm sao mà
loạn, và lấy ngay câu “cự lũ, tiểu lũ đồng giá” của Trần Tương mà làm thí
dụ cái phẩm không thể đồng nhau được.
Trong câu “cự lũ, tiểu lũ đồng giá, nhân khởi vi chi tai
巨屨小屨同賈,人豈
為之哉” có hai mệnh đề. Mệnh đề trên là “cự lũ, tiểu lũ đồng giá”, mệnh đề
dưới là “nhân khởi vi chi tai”. Hai mệnh đề ấy tương thành với nhau mà có
một cái nghĩa riêng. Vì ở trong cái mệnh đề dưới có hai chữ trợ từ: “khởi và
tai” cho nên câu ấy có cái nghĩa giả thiết (conditionnel) như thế này:
“Phỏng thử dép lớn, dép nhỏ mà bán đồng một giá, thì còn có ai làm dép