Còn chữ lương tri mà tiên sinh bảo là không phải là trực giác, thì tôi vẫn
chưa chịu. Trước khi nói tại làm sao mà tôi bảo lương tri là trực giác, tôi
hãy xin nói cái ý của Phan tiên sinh là thế nào. Cứ như Phan tiên sinh thì
lương tri là cái biết rất rộng, bao hàm cả nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cùng trực
giác và lý trí. Vậy trực giác chỉ là một phần nội dung của lương tri, chứ
không phải là lương tri. Lương tri và trực giác đều là cái biết, nhưng cái
biết của lương tri rộng hơn, mà cái biết của trực giác là “cách nhận thức
mọi sự của nhà triết học mà thôi”. Trong chữ lương tri và chữ trực giác
phải lấy hai chữ làm cốt, là chữ lương và chữ trực; lương là lành, trực là
thẳng. Lương tri bởi Mạnh Tử xướng lên, mà Mạnh Tử lại chủ trương cái
thuyết tính thiện, thì lương tri là chỉ biết nói cái thiện mà thôi, cho nên
Mạnh Tử nói cái biết ấy như đứa con nít mới đẻ ra, biết yêu cha mẹ mình,
v.v. Như vậy cái trí của Mạnh Tử chỉ lương mà thôi, chứ không có bất
lương, hợp với cái tánh của Mạnh Tử hiểu chỉ là thiện mà thôi, không có ác.
Còn trực giác là bởi chữ intuition dịch ra, trực (direct) đối với bất trực
(indirect) chứ không hề có ý lương hay là thiện, ác ở trong. Trực giác là sự
biết thẳng đối với sự không thẳng, cho nên nói trực giác chỉ là cách nhận
thức mọi sự của nhà triết học. Tôi tưởng cái ý của Phan tiên sinh nhận chữ
lương tri và chữ trực giác là thế cho nên mới nói lương tri không phải là
trực giác.
Phan tiên sinh hiểu như thế, song tôi hiểu cách khác. Tôi không theo cái
nghĩa thường của chữ lương và chữ trực, bởi vì những chữ ấy thường hay
đổi nghĩa đi, tùy cái ý của từng người dùng. Mạnh Tử khi dùng hai chữ
lương tri, đã định ngay nghĩa là: “Sở bất lự nhi tri giả kỳ lương tri dã
所不
慮而知者,其良知也”, nghĩa là cái không nghĩ mà biết là lương tri, Tuy
Mạnh Tử theo cái thuyết của mình có dẫn chứng như: đứa con nít mới đẻ ra
biết yêu cha mẹ, v.v. nhưng đó là một cái chứng để cho người ta hiểu cái
lương tri, chứ không phải là chỉ biết cái lành mà thôi. Cũng bởi thế về sau
đến đời Tống, đời Minh, những nhà triết học như Lục Tượng Sơn, Vương
Dương Minh đều cho lương tri là cái biết tự nhiên của bản tính, Nhất là
Vương Dương Minh lại chú trọng về cái thuyết lương tri. Ông nói rằng:
“Tri thiện tri ác thị lương tri
知善知惡是良知”; theo cái nghĩa ấy thì hai