quá và không bất cập, tức là đúng với chân lý, nó theo lẽ điều hòa mà lưu
hành. Đã là vừa phải thì ở vào địa vị nào cũng phải là cái vừa phải, vừa hay;
người ta thường lúc nào cùng tìm cái vừa phải. Trong những việc nhật dụng
thường hành của ta, bao giờ ta cũng muốn được cái vừa phải, chứ không
cho sự thái quá và bất cập là phải, cho nên Ngài theo cái chủ nghĩa nhân
sinh triết lý mà dạy người ta theo trung dung, tức là theo cái vừa phải.
Theo cái vừa phải thì ai cũng theo được, bởi vì mỗi người có một cái địa vị,
mỗi một địa vị có một cái vừa phải, nếu điều gì ta cũng theo cái lý tự nhiên,
đừng để cái tư tâm tư dục làm ám muội mất cái lý ấy đi, thì biết được thế
nào là vừa phải, thế nào là không vừa phải. Như thế là nói trung dung ai
cũng có thể biết được và có thể làm được. Song lúc nào cũng theo được
trung dung không lúc nào bỏ quên cái công lý, không lúc nào để cái tư tâm,
tư ý làm ám muội mất cái sáng suốt của mình, thì thật là khó, dẫu đến bậc
thánh nhân cũng không làm đến cực điểm vậy. Bởi vậy Khổng Tử mới đem
cái khó ấy mà nói cho người ta biết, để đừng tưởng trung dung là dễ. Ta đã
biết nó là hay, mà nó lại khó như thế, ta muốn theo thì phải cố gắng, cố
gắng một không được thì phải cố gắng mười, mười không được phải trăm,
phải ngàn, cho đến được mới thôi. Đã được rồi, tất là thành người quân tử
tôn quý. Như thế là khó lắm. Vì phi bậc thánh nhân đã dễ mấy ai bỏ hết
được cái tư tâm tư dục; mà khi đã có cái lòng tư ấy thì làm thế nào cho khỏi
thiên lệch được. Song kẻ học giả đã biết trung dung là khó mà muốn học
theo đạo thánh hiền thì phải cố hết sức để cho tới mục đích, cái mục đích
giáo dục là ở sự cố gắng, không có cố gắng là không có giáo dục. Khổng Tử
hiểu như thế, cho nên Ngài dạy người ta theo đạo trung dung mà Ngài vẫn
nói trung dung là khó.
Nay Phan tiên sinh nói rằng: “Đã khó như vậy còn bày ra làm gì”. Nếu vậy
bao nhiêu cái khó bỏ đi hết, thì còn dạy người ta cái gì nữa? Thà rằng nói
cái dở phải bỏ đi, chứ nói cái khó phải bỏ đi, thì tôi khòng hiểu. Muốn cho
hay mà lại nói không cố gắng làm việc hay, thì hay làm sao được? Ta chỉ
cần biết cái đạo ấy có hay hay không. Nếu hay thật, thì ta phải học cho đến
được. Bởi vậy mới có sự tu dưỡng, có sự mãnh miễn để gây cho ta một cái
nhân cách cao thượng, để làm cho loài người càng ngày càng chiếm được