chữ chủ cũng không hề gì, chỉ cốt xét xem cái nghĩa chữ 3 có bỏ được hay
không mà thôi, còn như không muốn dùng chữ ấy nữa, dùng chữ khác đồng
nghĩa với nó, thì cùng không có việc gì mà ngại trở. Vậy việc ấy không phải
bàn nữa.
4. Khổng giáo với khoa học. Trong các vấn đề, có cái vấn đề này quan trọng
hơn cả, thiết tưởng nên bàn lại cho kỹ. Trước khi nói đến những điều của
Phan tiên sinh đã xướng lên, tôi xin phép bàn rộng ra cho rõ cái bản ý của
tôi, rồi sau bàn đến những ý kiến của Phan tiên sinh mới minh bạch được.
Tôi không phản đối khoa học, vì khoa học là cái hiệu quả của sự cố gắng
chung cả nhân loại ngày nay, ai cũng cần phải có thì mới sinh hoạt được.
Song người ta sống ở đời không phải chỉ cần có phần vật chất và phần trí
tuệ mà thôi, phải cần có phần tâm nữa. Vì tâm là chủ trong sự tư tưởng và
sự hành động của người ta. Bởi chưng tôi nghĩ rằng trong khi ta theo khoa
học của người, ta phải gây lấy cái tâm học của ta, để làm cái gốc, rồi nhân
cái gốc chắc chắn mạnh mẽ ấy, mà dùng các ngành khoa học để theo người
mà tiến hóa. Ta tiến hóa như thế thì ta không bỏ mất cái đặc tính của ta, mà
những sự tiến hóa của ta lại có nghĩa lý và chắc chắn, không đến nỗi hồ đồ
hỗn độn, không biết gốc ở đâu, ngọn ở đâu. Cái tâm học của ta định gây lên
đây, phải sở cứ vào cái gì. Tôi tưởng tông giáo và học thuyết đã đào tạo ra
cái tinh thần, cái tư tưởng của ta từ xưa đến nay, thì có Khổng giáo, Lão
giáo và Phật giáo. Khổng giáo vì nó đã xâm nhập vào trí não người mình và
có cái cội rễ sâu xa quan hệ đến học thuật, phong tục và chính trị của mình,
cho nên tôi bắt đầu xét Khổng giáo.
Khổng giáo là một khoa triết học, vì triết học là cái học về nguyên lý
(principes) và các nguyên nhân (causes) hay là những thống kê về những
tổng niệm (notions générales) của tất cả các sự vật, cốt để định rõ cái nghĩa
của nhân sinh ở đời và cái địa vị của người ta ở trong tạo hóa. Xét kỹ cái
triết học của Khổng giáo rồi đem so với triết học bên Tây, thì ta thấy nó
cũng có bốn phần trọng yếu như triết học của Tây. Bốn phần ấy là: tâm lý
học, luận lý học, siêu vật học, và luân lý học. Trong bốn phần ấy có hai
phần rõ hơn là siêu vật học (tức là phần hình nhi thượng học) và luân lý
học. Còn hai phần kia là tâm lý học và luận lý học, thì không được rõ lắm,