học thuật thường trút cả vào một mặt tâm học, cho cái tâm là chủ cả vạn vật
vạn sự, nên chi Khổng giáo nói cái thuyết “minh minh đức, thân dân, v.v.” ở
sách Đại Học và đời sau cũng lấy cái thuyết ấy làm cái chìa khoá cho sự
học của Khổng giáo. Cái tâm học ấy đã gây ra hạng người quân tử ở trong
xã hội và các nhân vật trong lịch sử về đường chính trị. Đến ngày nay dẫu
có khoa học, nhưng cũng không bỏ được tâm học, vì nó là cái nền văn hóa
của ta. Cũng như bên Thái tây bây giờ ai chẳng khuynh hướng về khoa học,
thế mà họ vẫn giữ cái nền tông giáo Cơ đốc để làm gốc. Vậy ta nay phải
theo khoa học, thì cứ theo, nhưng ta cứ giữ lấy cái nền Khổng giáo, cốt lấy
nhân, nghĩa, lễ, trí mà tu nhân và xử thế. Đời bây giờ xã hội nào cũng cần
có khoa học và tâm học, để hai bên tương đối và tương điều hòa với nhau.
Bên tâm học thì chủ ở sự tiến hóa về đường đạo lý, bên khoa học thì chủ ở
sự tiến hóa và đường trí tuệ và đường vật chất, Hai bên hội hợp lại làm cho
cái tinh thần mạnh lên.
Tôi nghĩ như thế, cho nên tôi cố sức muốn duy trì cái nền Khổng giáo,
mong rằng người mình đừng quá thiên về một mặt khoa học hay là một mặt
tâm học mà rồi thành ra chếch lệch, có thể hại cho tinh thần, bởi tôi sợ như
lời một nhà văn sĩ bên Tây nói rằng: “Có khoa học mà không có lương tâm,
chỉ là cái hại cho tinh thần” (sciences sans conscience n’est que ruine de
l’âme). Nếu cái tinh thần đã hèn yếu thì còn tiến hóa làm sao được.
Tôi đem những điều ấy nói ra đây như vậy, là vì tôi muốn độc giả hiểu rõ
cái ý kiến của tôi, để sau này bàn đến những ý kiến của Phan tiên sinh khỏi
sự hiểu lầm.
Nay xét những ý kiến của Phan tiên sinh đối với Khổng giáo đã nói ở trong
hai kỳ báo Phụ nữ số 54 và 64, thì tiên sinh bảo chỉ nên giữ cái phần tu thân
làm người quân tử; còn theo cái nghĩa rộng của khoa học thì tiên sinh cho
cái gì nghịch với khoa học như “cái vẻ huyền học của Khổng giáo”, hay là
cái gì làm ngại trở cho khoa học như “chỉ nói cái lẽ đương nhiên, mà không
nói cái lẽ sở dĩ nhiên” cùng là “cái chủ nghĩa quân chủ trái với chủ nghĩa
duy tâm” thì nên bỏ cả. Phan tiên sinh lại nói “cái phương pháp chuyên
dùng trực giác hại cho tinh thần khoa học” và theo cái nghĩa hẹp của khoa
học, thì ngày nay dẫu có số ít người chán nản khoa học mặc lòng, số nhiều