NHO GIÁO - Trang 66

hóa trong vũ trụ, chỗ nào cũng thấy đầy những sinh ý và xuân khí thì biết
cái đức của Trời lớn rộng là dường nào! Khổng Tử lấy bốn cái đức của Trời
nguyên, hanh, lợi, trinh ở quẻ Kiền mà nói rõ sự sinh thành của vạn vật.
Ngài nói rằng: “Nguyên giả thiện chi trưởng dã, hanh giả gia chi hội dã, lợi
giả nghĩa chi hóa dã, trinh giả sự chi cán dã

元者善之長也,亨者嘉之會

也,利者義之和也,貞者事之幹也: Nguyên là đầu các điều thiện, hanh
hội hợp các cái tốt đẹp, lợi là sự hòa hợp với điều nghĩa, trinh là cái gốc của
mọi sự (Dịch: Văn ngôn truyện). Cái đức nguyên là cái khởi đầu sự sinh
vạn vật, cái đức hanh là sự thông đạt của sự sinh vạn vật, cái đức lợi là sự
thỏa thích của sự sinh vạn vật, cái đức trinh là sự thành tựu của sự sinh vạn
vật. Vậy đạo trời đất là chủ ở sự sinh vạn vật, mà sự sinh ấy là đầu cả các
điều thiện.
Đó là cái quan niệm rất trọng yếu của Khổng giáo. Mà Khổng giáo sở dĩ
không giống các tông giáo khác cùng chỉ có cái quan niệm ấy mà thôi.
Thường thì tông giáo nào cũng cho sự sống là một cảnh khổ, cho nên cứ
phải tìm cách giải thoát, như Phật giáo thì cầu lấy sự “bất sinh”, Lão giáo
thì cầu lấy sự “vô vi tịch mịch” không thích gì đến sự đời. Duy chỉ có
Khổng giáo là lấy lẽ sinh hoạt ở đời làm vui thú, hợp với lẽ trời đất. Khổng
giáo cho sự sinh hoạt tự nó là cái mục đích của tạo hóa, không cần phải hỏi
rằng: Sinh ra để làm gì, hay là chết thì đi đâu. Lẽ trời đất chỉ có âm dương
biến hóa mà thôi, tinh khí tụ lại là sinh, tan ra là tử, cứ tự nhiên lưu hành
như thế mãi, vạn vật đều theo cả cái lệ ấy, không lẽ nào người ta lại ra ngoài
cái lệ ấy được.
Người là một phần, trong vạn vật, cho nên phải theo lẽ trời mà biến hóa,
nhưng chỉ có phần vật chất là phải biến hóa mà thôi, còn phần tinh thần là
của Trời phú cho, thì bao giờ cũng có cái tư cách độc lập và cái năng lực tự
do để cố gắng mà tiến lên cho đến chí thiện, chí mỹ. Nếu ta biết dụng công
phu mà sáng tạo ra những sự vật có tinh thần mạnh mẽ, có khí lực linh hoạt,
tức là ta theo đạo trời đất mà sinh sinh. Thí dụ: Nhà triết học phát huy ra cái
tư tưởng cao xa, nhà văn chương làm ra quyển sách kiệt tác, nhà mỹ thuật
chế ra pho tượng rất đẹp, hay là nhà khoa học tìm ra cái cơ khí rất diệu, đều
là hợp với cái đức sinh của trời đất cả.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.