NHO GIÁO - Trang 77

gia ngữ: Trí tư, VIII). Dẫu tinh thần biết hay không biết mặc lòng, đối với
người chết bao giờ ta vẫn có cái tình cảm, khiến ta không có thể cho như là
không biết gì nữa, mà cũng không có thể cho là vẫn biết như lúc còn sống
được. Khổng Tử nói rằng: “Chi tử nhi trí tử chi, bất nhân, nhi bất khả vi dã;
chi tử nhi trí sinh chi, bất trí, nhi bất khả vi dã

之死而致死之,不仁而不

可為也;之死而致生之,不知而不可為也: Cho người chết là mất hẳn,
không biết gì nữa là bất nhân, không nên theo; cho người chết là còn biết
như lúc hãy còn sống là bất trí, không nên theo” (Lễ Ký: Đàn cung thượng).
Tưy việc sống, chết thế nào thì ta không rõ được, nhưng đối với người chết,
bao giờ ta cũng có tình cảm thương tiếc, Vậy thì ta cứ thờ người chết, cúng
tế tổ tiên để tỏ lòng tôn kính yêu mến. Song ta không nên thờ bậy cúng bậy;
nếu không phải là bậc mình đáng thờ, đáng cúng, không phải cha mẹ tổ tiên
mình mà mình thờ cúng thì gọi là siểm: “Phi kỳ quỉ nhi tế chi, siểm giả

其鬼而祭之,諂也” (Luận Ngữ: Vi chính, II).
Nói rút lại, đạo Trời là chí thiện chí mỹ, đạo người là phải cố gắng để làm
được những điều chí thiện chí mỹ. Ai muốn đạt tới cái mục đích ấy thì
trước hết phải theo đạo thành. “Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả
nhân chi đạo dã

誠者天之道也,誠之者,人之道也: Thành thực là đạo

Trời, giữ cho được thành thực là đạo người” (Trung Dung). Thành là cái
tính bản nhiên của thiên lý, cái tính ấy chân thực không sai lầm điều gì, và
lại có thể sinh sinh, hóa hóa, gây nuôi muôn vật. Người ta ai đã cố gắng mà
tiến lên đến bậc chí thánh thì có thể giúp được việc hóa dục của trời đất và
có đức ngang với trời đất. Tức là một cách nói: Trời sinh ra người, người lại
cố gắng theo cho được hoàn toàn như Trời vậy.
Kẻ học giả hiểu rõ lẽ ấy, rồi cứ vui theo mệnh Trời mà cố sức tu dưỡng cho
đến bậc nhân, thì đạo làm người thành ra có cái ý nghĩa rất cao xa, mà cái
cảnh ở đời lại rất có thú vị. Bởi thế cho nên thánh nhân dạy người ta: “Lạc
thiên tri mệnh, cố bất ưu; an thổ đôn hồ nhân, cố năng ái

樂知天命, 故不

憂; 安土敦乎仁, 故能愛: Vui theo đạo Trời và biết mệnh Trời cho nên
không lo; tùy chỗ ở mà an và đôn đốc làm điều nhân cho nên có lòng ái”
(Dịch: Hệ từ thượng).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.