NHO GIÁO - Trang 82

Thiên lý thì lưu hành bất tức, mà nhân sự thì mỗi thời một khác, nếu nhận
một điều gì làm lý nhất định, rồi cứ khư khư giữ điều ấy để làm chuẩn đích
cho sự hành vi của mình, thì thành ra cố chấp và có cái thái độ thiên về cực
đoan, rất trái với cái tông chỉ phải tùy thời chấp trung. Đó là tư tưởng đặc
biệt của Khổng giáo. Đem tư tưởng ấy mà so sánh với học thuyết khác, thì
thấy học thuyết nào cũng có điều cố chấp. Thí dụ như họ Mặc theo chủ
nghĩa kiêm ái, họ Dương theo chủ nghĩa vị ngã, rồi mỗi bên cố chấp lấy chủ
nghĩa của mình làm lý nhất định để theo cho đến cùng, tất là thành ra cực
đoan, lệch hẳn về một bên, không có bình hành, không có điều hòa, trái với
lẽ tự nhiên của sự thực, Khổng giáo thì không thế, cứ tùy cái tình thân sơ
mà đối với người, với vật, cho hợp lẽ tự nhiên, vậy nên mới nói: “Thân thân
nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật

親親而仁民,仁民而愛物: Thân yêu

những kẻ thân thiết với mình, mà nhân từ với mọi người, nhân từ với mọi
người mà yêu mến các loài vật” (Mạnh Tử: Tận tâm thượng). Cái tình cảm
của mình đối với kẻ thân thích hậu, thì mình cứ hậu, đối với người ngoài
hơn kém một tí, thì cứ kém một tí, đối với các loài sinh vật lại kém đi một
bậc nữa, thì cứ kém đi một bậc nữa. Lúc nào cũng tùy cảm mà ứng, tùy trực
giác mẫn nhuệ của mình mà hành động, chứ không nhận gì làm định lý cả.
Vì rằng khi đã nhận một điều gì làm định lý, thi tất là cố chấp theo cái định
lý ấy cho đến cùng, thành ra không thích hợp với thiên lý cứ lưu hành mà
biến hóa mãi mãi.
Cái vui trong sự sinh hoạt. Đạo của Khổng Tử là đạo nhân, cốt cầu lấy cái
vui trong sự sinh hoạt ở đời. Cái vui ấy do ở sự điều hòa với lẽ tự nhiên của
tạo hóa, bao giờ trong bụng cũng được thư thái, không để ngoại vật hệ lụy
đến mình. Xem như Ngài tuy phải chu du thiên hạ để lo thi hành đạo của
mình mà không lúc nào trong bụng không vui về cái sinh thú. Sách Luận
Ngữ
chép: “Một hôm Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu, Công Tây Hoa ngồi
hầu, Khổng Tử nói: “Ta tuy có hơn tuổi các ngươi, nhưng các ngươi đừng
vì ta mà nệ, chí mình thế nào, cứ thẳng mà nói. Khi các người bình cư
thường nói: Chẳng ai biết đến ta mà dùng ta. Nếu như có người biết mà
dùng, thì các người định làm sao?”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.