lại giáp biên Trung - Việt, hoạt động buôn muối miền núi phía Bắc dễ dàng cho “các lái”
hơn nhiều bởi không bên nào (Trung hay Việt) dễ bề có thể độc quyền nắm giữ và khống
chế riêng “siêu lợi nhuận muối”. Muối có thể chuyển từ đồng bằng lên miền cao ở Bắc Việt
Nam hay từ ngả Vân Nam - Trung Quốc sang. Hẳn là bởi điều ấy mà “ám ảnh muối” ở
miền núi phía Bắc Việt không “đậm đặc” như vùng người Thượng Tây Nguyên. Thêm nữa,
không lệ thuộc vào muối - của biển - của đồng bằng, cũng đồng nghĩa với việc giữ cho
miền núi duy trì được thế tự trị với miền xuôi.
Một trường hợp khác, Bàng Thúc Long trong quyển sách thuộc loại rất sớm sưu
tầm truyện cổ H’mông [quyển sách siêu mỏng của Bàng Thúc Long chép, Giàng My Sải kể
(1957), Tình yêu Nùng-Phai - Truyện cổ tích dân tộc Mông, Nxb Phổ Thông, Hà Nội].
Truyện Nùng-Phai, đơn giản kể về chàng trai H’mông chiến đấu với hổ ác đã cướp người
yêu của chàng. Thế nhưng, theo Bàng Thúc Long thì câu truyện cổ trên thành ra đả kích
bọn thống trị như hổ dữ, lợi dụng tục cướp dâu H’mông chà đạp lên tình yêu đôi lứa. Bàng
Thúc Long và Doãn Thanh, ở chỗ này, là minh họa sống động cho cắt nghĩa truyện cổ dân
gian tộc người nhằm minh chứng cho nguyên lí đấu tranh giai cấp, chống áp bức, bót lột,
phản phong được cấp sẵn ngự trị thời các ông sống. Gạt đi các giới hạn của lịch sử của thời
đại, điều mà hầu như không mấy người tránh được, Doãn Thanh đứng lại với nghiên cứu
H’mông bằng những công trình sưu tầm mà ý nghĩa nền tảng quan trọng của nó là không
thể nghi ngờ.
Từ Chi (Trần Từ) là nhà dân tộc học Việt Nam rạch ròi nhất khi ông sử dụng triệt
để, lặp đi lặp lại nhiều lần từ “đẳng cấp” khi phân tích mối quan hệ con người trong xã hội
Mường và rộng ra là Thái và Tày cổ truyền. Ở Từ Chi không hề thấy sự sử dụng lẫn lộn ý
nghĩa “đẳng cấp” và “giai cấp” như một số đồng nghiệp của ông. “Đẳng cấp” được Từ Chi
liên tục tái lặp khi phải chỉ về cơ cấu xã hội Mường truyền thống, trích lại một đoạn tiêu
biêu nhất của ông: “Tôi (Trần Từ - NMT) cố ý dùng từ này ở đây để nhấn càng mạnh càng
tốt hàng rào có thể nói là vĩnh viễn ngăn cách hai lớp người họp thành xã hội”, tức là nhà
lang lớp trên và dân lớp dưới. Chỗ khác, Trần Từ viết, “đẳng cấp” đấy là hành động “xã hội
tự phân thành hai lớp kín không hề giao thoa với nhau”. Trong đấy, cần chú ý, đẳng cấp ở
tộc người Việt Nam không bao giờ là vấn đề gay gắt như Ấn Độ (Trần Từ 1996: 15,22...).
vấn đề đẳng cấp và giai cấp vì thế là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt nhau.
Theo nghĩa này, xã hội làng xã người Việt cũng được coi như là thể chế đẳng cấp.
Bởi một địa vị xã hội ở làng được đảm bảo và công nhận rộng rãi nếu trước khi gia nhập
một đẳng cấp, trước tiên, hắn phải hiến một lễ tế cho Thành Hoàng làng. Nguyễn Văn
Huyên trong tiểu luận Về thể chế đẳng cấp trong làng xã người Việt, vì thế mới viết: “địa vị
xã hội của họ mang tính chất tôn giáo” (2003a: 630).