- Hoivan? Thế thì tất nhiên là chúng tôi có biết. Tôi cũng đã từng thấy
ông ta.
Tomat lại ngước nhìn bức tranh một lần nữa và im lặng nhìn rất lâu, với
đôi lông mày nhíu lại, dường như không bao giờ còn muốn quên khuôn mặt
đó nữa. Ông ta gật gật đầu với bức tranh như muốn gửi lời chào rồi cúi đầu
chào nữ chủ nhân và đi giật lùi ra cửa.
Người thiếu phụ lại thấy cái cảm giác khó chịu ban nãy truyền khắp cơ
thể, y như khi ông Tomat chạm vào người con trai nàng. Tuy vậy nàng vẫn
tiễn người khách ra đến tận tam cấp.
Người ấy lúc nào cũng đi bên phía tay phải nàng, đó là lề thói kẻ quê.
Người ấy nghiêng mình chào, đó là bộ điệu quý tộc. Lại đi giật lùi qua cửa,
cái đó là tập quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Người thiếu phụ thấy bồn chồn không yên, nhưng lập tức nàng lại tự
trách mình:
- Ta không nên nghĩ xấu về một người bất hạnh. – Nàng nói và ngồi
xuống để tiếp tục chữa cái áo – Ông ấy chột mắt cho nên ta nhìn thấy khó
chịu mà thôi.
Để xua đuổi tâm trạng bồn chồn ra khỏi ý nghĩ, nàng cất tiếng hát. Nàng
hát theo bài hát của người đầy tớ ngoài vườn và những ngón tay nhanh nhẹn
của nàng thoăn thoắt đơm lại mấy cái cúc đã lỏng trên chiếc áo lụa Đamat
màu anh đào. Cái áo có một chỗ đã sờn thủng. Nàng bèn tìm chỉ lụa đỏ để
mạng lại.
Nhưng hình ảnh người khách cứ lởn vởn không chịu ra khỏi đầu nàng.
- Người này là ai nhỉ? – Nàng buông cái áo lên đùi và tự hỏi.
Cái nhẫn, việc xem chân dung, việc nhắc đến Hoivan, cái cách đi giật
lùi kiểu Thổ.
- Người này là ai?