II
JEAN VALJEAN QUỐC DÂN QUÂN
Tuy vậy, ông nói đúng, Jean Valjean vẫn sống ở phố Plumet và ông đã
xếp đặt đời sống của mình như sau:
Cosette và người bõ già ở nhà trên gian buồng ngủ tường có vẽ hoa,
phòng khuê nhỏ với những đường chạm trong sơn vàng, phòng khách lót
thảm có những chiếc ghế bành to tướng là phần của Cosette; cái vườn cũng
thuộc phần nàng. Jean Valjean đã cho đặt thêm trong buồng Cosette một
chiếc giường có diềm màn bằng gấm Damas nhiều màu và một tấm thảm Ba
Tư cũ còn đẹp mua mãi ở cửa hiệu mụ Gaucher phố Figuier Saint Paul. Để
giảm bớt vẻ nghiêm nghị của những thứ đồ cổ sang trọng ấy, ông xen lẫn
vào các thứ linh tinh ấy tất cả những vật dụng xinh xắn, duyên dáng của các
cô thiếu nữ: Cái kệ, cái tủ sách, các quyển sách có gáy vàng, chiếc hộp giấy,
cái bàn giấy thấm, cái bàn may khảm xà cừ, cái hộp may bằng bạc mạ vàng,
bộ đồ rửa mặt bằng xứ Nhật. Các cửa sổ trên gác đều treo màn dài bằng gấm
Damas nhiều màu như ở diềm màn. Các cửa tầng dưới lại treo màn vải rua.
Mùa đông, trong nhà Cosette ở, gác trên phòng dưới đều đốt lò sưởi. Riêng
ông, ông ở trên nhà xép cuối sân trong, trong phòng chỉ một chiếc đệm rải
trên cái giường căng dây thép, một cái bàn gỗ tạp, hai cái ghế rơm, một lọ sứ
đựng nước, mấy quyển sách bỏ trên một tấm ván, chiếc vali yêu quý trong
một góc và chẳng bao giờ có củi lửa gì cả. Ông ăn với Cosette nhưng trên
bàn lại có một cái bánh mì đen phần riêng ông. Ông bảo bà Toussaint:
— Cô đây là chủ nhà này, bà nhớ nhé.
— Thưa ông, còn ông? - Bà Toussaint kinh ngạc hỏi lại.
— Tôi, tôi còn hơn là ông chủ, tôi là ông cha.
Hồi ở nhà tu, Cosette có được học tập việc nội trợ nên việc chi tiêu ít ỏi
trong nhà đều do nàng tính toán. Hằng ngày, Jean Valjean khoác tay Cosette,
đưa nàng đi dạo chơi. Ông đưa nàng vào vườn Luxembourg, tìm đến con
đường nào vắng vẻ nhất và chủ nhật nào ông cũng dắt nàng đi lễ nhà thờ
Saint Jacques vì nhà thờ ấy ở khá xa. Khu phố ông ở rất nghèo nên ông bố
thí nhiều, vì thế các người khốn khó đều đến vây quanh ông trong nhà thờ.