còn nhớ ông Madeleine đọc sách rất nhiều. Jean Valjean vẫn tiếp tục như thế
và đã đi đến chỗ chuyện trò rất hay.
Là một trí tuệ khiêm tốn và thực thà do tự học mà nên, ông có những tri
thức phong phú và tài ăn nói. Ông lại còn một chút cộc cằn vừa đủ để làm
cho lòng nhân ái của ông có vị mặn mà. Trí thô mà lòng dịu. Ở vườn
Luxembourg, những lúc một cha một con, ông nói rất dài, lấy những điều đã
học được trong sách vở, lấy cả những kinh nghiệm đau khổ của mình để giải
thích về đủ mọi việc cho nàng nghe. Cosette vừa nghe cha nói chuyện vừa
đưa mắt mơ màng nhìn khắp nơi. Ông già chất phác ấy đủ choán cả tâm trí
Cosette cũng như mảnh vườn hoang vu kia đủ cung cấp mọi trò chơi cho
nàng. Chạy đuổi bướm mệt, nàng vừa thở hổn hển vừa đến bên cạnh cha
khoe: “Ồ, con chạy ghê quá!” Ông hôn vào trán nàng.
Cosette yêu ông già Jean Valjean. Luôn luôn nàng ở bên gót cha. Vì ông
già ấy ở đâu là ở đấy có sự đầm ấm. Jean Valjean không ở nhà trên, không ở
ngoài vườn, nên nàng cũng thích ở sân sau lát đá hơn là ở trong sân cảnh đầy
hoa. Nàng thích ở gian nhà chỉ có ghế rơm của cha hơn là ở trong phòng
khách tường chăng gấm và ghế bành lót đệm dành cho mình. Có khi Jean
Valjean vừa mỉm cười sung sướng vì được quấy rầy, vừa mắng nàng:
— Thôi, con đi về đi chứ! Để yên cha một mình thử nào!
Nàng trách ông một cách vừa trìu mến vừa dễ ưa, nghe có duyên như lời
con gái nói với cha;
— Cha ơi, ở phòng cha con rét quá, cha ạ, sao cha không rải đây một tấm
thảm và để đây một lò sưởi?
— Con ạ, có bao nhiêu người xứng đáng hơn cha mà họ không có lấy một
tấm tranh che mưa nắng đấy.
— Thế tại sao ở bên con lại có lửa sưởi và đủ mọi thứ khác?
— Vì con là đàn bà con gái và con còn nhỏ dại con ạ.
— Ô hay! Thế đàn ông thì phải chịu rét, chịu khổ à?
— Cũng có người phải thế!
— Được, thế thì con sẽ đến đây thường xuyên để cha bắt buộc phải đốt
lửa.
Nàng còn bảo cha:
— Cha ơi, sao cha lại ăn thứ bánh mì tồi tệ như thế kia?