hắn, vì hắn đã hoàn toàn đổi giọng.
Tên thứ ba chen vào:
— Không chuyện gì phải vội. Hãy đợi một tí nữa. Chắc đâu hắn không
cần đến chúng ta.
Nghe câu văn phổ thông này, Thénardier nhận ra Montparnasse,
Montparnasse cho là hiểu được mọi thứ tiếng lóng mà không nói tiếng lóng
mới là lịch sự. Tên thứ tư không nói, nhưng đôi vai rộng của nó vẫn báo cho
biết nó là ai. Thénardier không phân vân nhận ngay ra đó là Gueulemer.
Brujon nói khẽ, nhưng sôi nổi:
— Mày phun cái gì đó? Tao thì tao nói rằng thằng bán cơm đó không trốn
ra được. Nó không biết cách mà! Xé chemise, xé chăn giường để làm dây,
khoét cửa, làm giấy tờ giả, chìa khóa giả, chặt xiềng, buộc treo dây ở ngoài,
lẩn trốn, trá hình, phải khôn ranh lắm mới làm được. Lão già ấy không thể
làm được, lão không biết cách.
Babet tiếp lời, vẫn bằng thứ tiếng lóng cổ điển mà Poulailler và
Cartouche dùng. Thứ tiếng lóng này đối với cái tiếng lóng mạnh dạn, mới
mẻ, màu mè và liều lĩnh mà Brujon dùng cũng giống như ngôn ngữ Racine
đối với ngôn ngữ André Chénier:
— Tên chủ quán của mày có dễ đã bị tóm tại trận. Phải là sói già mới
được, còn hắn chỉ là chó mới mở mắt. Chắc là hắn đã bị một tên cớm, không
chừng là một con cừu đóng vai huynh đệ lừa phỉnh. Này Montparnasse mày
thử nghe tiếng rào rào trong ổ quỷ đó xem! Mày cũng đã thấy những đèn
đuốc kia chứ? Hắn đã bị tóm lại rồi, chắc chắn! Phải kéo cày hai mươi thu
nữa rồi. Tao không gờm, tao không phải là cáy, điều đó ai cũng biết, nhưng
không còn làm gì được nữa đâu, nếu cứ cố thì bọn chúng sẽ cho chúng ta
nhảy nhót đó. Thôi đừng giận dữ, đi với chúng tớ đi, tợp ít hớp cho vui.
— Ai lại bỏ rơi bạn bè trong hoạn nạn, - Montparnasse càu nhàu.
— Tao thề với mày là nó bị tròng lại rồi. Giờ này thì thằng chủ quán đó
chẳng còn đáng một chinh. Ta biết làm sao! Dông thôi. Tao thấy như là đã bị
một tên cớm nào thộp ngực rồi.
Montparnasse chỉ còn chống cãi yếu ớt. Thật ra, theo tục bọn kẻ cướp
không bao giờ bỏ nhau trong cơn nguy biến, bốn đứa chúng đã lò dò suốt
đêm quanh nhà ngục La Force. Mặc dù việc ấy nguy hiểm, chúng vẫn không