Đại số, y học, thực vật học đều có tiếng lóng của nó. Ngôn ngữ mà người
ta dùng trên tàu thủy, cái ngôn ngữ đáng thán phục của biển cả, rất đầy đủ và
rất tạo hình mà Jean Bart, Duquesne, Suffren và Duperré đã nói, nó lẫn với
tiếng neo, xích, với tiếng loa, với tiếng búa đụng nhau, tiếng tàu chòng
chành, tiếng gió bão, đại bác, là cả một thứ tiếng lóng oai hùng và rầm rộ, nó
đối với tiếng lóng hoang sơ của kẻ cắp, như sư tử đối với chó rừng.
Đành vậy, nhưng dù biện hộ thế nào đi nữa, thì cái kiểu hiểu từ nói lóng
như thế là một kiểu hiểu theo nghĩa mở rộng mà không phải tất cả mọi người
đều sẽ thừa nhận. Về phần chúng tôi, chúng tôi giữ cho từ ấy cái nghĩa cũ,
chính xác, có phạm vi và được chỉ định, và chúng tôi giới hạn tiếng lóng
trong tiếng lóng. Tiếng lóng thực sự, tiếng lóng cao độ - nếu hai từ đó có thể
phối hợp tiếng lóng từ muôn đời, đã là một vương quốc, chúng tôi nhắc lại,
chính là cái ngôn ngữ xấu xí, lo âu, thâm hiểm, phản bội, có nọc, ác độc, ám
muội, đê hèn, sâu sắc, bất hạnh của khốn cùng. Ở cùng cực của mọi sự suy
sụp và của mọi bất hạnh, có một cái khốn cùng tận đáy nổi dậy và quyết định
đấu tranh chống toàn bộ những thực tại tốt số và những quyền lợi hiện hành:
Một cuộc đấu tranh khủng khiếp, khi gian trá, khi tàn bạo, vừa bệnh hoạn,
vừa hung dữ, qua đó khốn cùng tấn công vào trật tự xã hội bằng những nhát
chùy của tội ác. Để phục vụ cuộc đấu tranh này, khốn cùng đã phát sinh ra
một ngôn ngữ chiến đấu, đó là tiếng lóng.
Làm cho nổi lên rồi lại nâng đỡ lên trên trên quên lãng, lên trên vực thẳm,
một mảnh nhỏ của một ngôn ngữ nào mà con người đã sử dụng - cái ngôn
ngữ luôn luôn mất mát đó - nghĩa là duy trì được một yếu tố, tốt hoặc xấu
của nền văn minh, là phát triển những luận cứ của quan sát xã hội, là phục vụ
nền văn minh. Nhiệm vụ ấy Plaute đã làm, dù muốn hoặc không muốn, khi
để hai người lính thành Carthaginois nói tiếng xứ Phénicien, Molière đã làm
khi để cho nhiều nhân vật của mình nói tiếng Đông Phương và đủ các thứ
thổ âm. Ở đây, tiếng phản đối lại nổi dậy; tiếng Phénicien à, tốt lắm chứ,
tiếng Đông Phương à, hay quá! Ngay tiếng thổ âm cũng được, đó từng là
những ngôn ngữ của một nước, một tỉnh. Còn tiếng lóng? Ích gì mà giữ tiếng
lóng? “Làm cho tiếng lóng nổi lên” thì lợi gì?
Với cái đó, chúng tôi chỉ trả lời một câu: Đúng vậy, nếu ngôn ngữ mà một
nước, một tỉnh đã nói đáng quan tâm, thì có một thứ còn đáng quan tâm hơn