và đáng nghiên cứu hơn, đó là ngôn ngữ của khốn cùng. Đó là ngôn ngữ của
khốn cùng ở Pháp bốn thế kỷ nay, không phải chỉ một khốn cùng, mà tất cả
khốn cùng của loài người.
Chúng tôi còn nhấn mạnh điểm này: Nghiên cứu những dạng xấu, những
tàn tật xã hội và nêu chúng lên để sửa chữa không phải là một công việc
trong đó người ta được phép kén chọn. Nhiệm vụ nhà nghiên cứu lịch sử
phong tục và tư tưởng cũng nghiêm khắc không kém nhiệm vụ nhà nghiên
cứu những sự kiện: Sử gia sau nhìn bề mặt của văn minh, những cuộc đấu
tranh của vua chúa, sự sản sinh các hoàng tử, những hôn lễ của các nhà vua,
những chiến trận, những hội nghị, những vĩ nhân công chúng thừa nhận,
những cuộc Cách Mạng giữa thanh thiên bạch nhật, tất cả bề ngoài. Sử gia
kia nhằm cái bên trong, cái ở dưới, nhằm vào nhân dân lao động, đau khổ và
chờ đợi, nhằm người phụ nữ bị điêu đứng, đứa trẻ hấp hối, những chiến cuộc
âm thầm giữa con người và con người, những hung dữ ngấm ngầm, những
thành kiến, những bất công được thừa nhận, những phản ứng ngấm ngầm đối
với luật pháp, những diễn tiến bí mật của tâm hồn, những rung động khó
phân của đám đông, những người chết đói, những người đi chân đất, những
người để cánh tay trần, những người bất hạnh, những trẻ mồ côi, những
người khổ sở và điếm nhục, tất cả những sâu bọ lê lết trong bóng tối. Nhà sử
gia đã phải rất nhân ái đồng thời phải rất nghiêm khắc, như một người anh và
một thẩm phán, đi xuống tận những căn buồng khó vào nhất trong đó bò lổm
ngổm và lẫn lộn những kẻ đánh người và những kẻ đổ máu, những kẻ khóc
và những kẻ nguyền rủa, những kẻ nhịn đói và những người nhai ngấu
nghiến, những kẻ chịu đựng cái ác và những kẻ ác. Các sử gia của những
tấm lòng và của những tâm hồn há lại kém phận sự hơn các sử gia của những
thực tại bên ngoài ư? Người ta có nghĩ rằng Alighieri có ít chuyện để nói
hơn Machiavel không? Cái bên dưới của nền văn minh có vì sâu hơn và tối
hơn mà kém quan trọng không? Người ta có hiểu được núi khi không biết
hang hay không?
Vả chăng cũng nên nói qua một lần từ mấy câu trên đây, người ta có thể
suy diễn là giữa hai hạng sử gia có một ngăn cách dứt khoát. Chúng tôi
không hề nghĩ có cái ranh giới kiểu đó. Không ai là một sử gia tốt về cuộc
sống hiển nhiên, rõ rệt và công khai của các dân tộc, nếu không là sử gia của