dung con gái lão nay đã mất, là bà Pontmercy, vẽ từ năm mười tám tuổi, ở
phòng ngủ của mình, trước đầu giường để mở mắt ra là nhìn thấy nó ngay.
Lão ngắm nghía không biết chán. Một hôm đang ngắm bức tranh, lão bỗng
nói:
— Giống lắm.
Cô Gillenormand hỏi:
— Nó giống em tôi ư? Ừ mà giống thật nhỉ!
Ông già nói thêm:
— Nó cũng giống thằng cha nó nữa.
Một hôm lão đang ngồi, hai đầu gối chạm vào nhau, lim dim mắt, có vẻ
ngã lòng, cô con gái đánh bạo hỏi:
— Thưa bố, bố vẫn cứ giận nó sao?
Cô con gái dừng lại, không dám đi xa hơn.
— Giận ai? - Lão hỏi.
— Giận thằng Marius tội nghiệp ấy!
Lão ngẩng cái đầu bạc phơ, giơ nắm tay nhăn nheo và xương xẩu đập
xuống bàn và thét lên, giọng giận dữ và ngân vang:
— Tội nghiệp à! Chị bảo nó tội nghiệp à! Cái ông ấy là một đứa lố lăng,
xấu xa, tự phụ, bội bạc vô tình, bất nghĩa, trâng tráo, bất nhân.
Rồi lão quay mặt đi để con gái đừng thấy giọt lệ tụ ở khóe mắt.
Ba hôm sau, lão ngồi lặng yên, suốt bốn tiếng đồng hồ rồi bỗng nhiên nói
với cô con gái:
— Tôi đã trân trọng xin chị đừng bao giờ nhắc đến tên ấy nữa.
Từ đấy người con gái không dám có một cố gắng nào nữa. Cô rút ra một
câu chẩn đoán thâm thúy: Từ ngày em mình trót dại thì bố mình không yêu
em mình nữa. Rõ ràng bố mình ghét thằng Marius. "Từ ngày trót dại" nghĩa
là từ ngày cô em lấy viên đại tá.
Như chúng ta có thể đoán trước, dì Gillenormand đem người cháu yêu
của mình là viên sĩ quan kỵ binh đến thế chân Marius, nhưng không được
chấp nhận. Théodule không thành công. Lão Gillenormand không chịu cái
trò lộn sòng ấy. Khoảng trống trong lòng đâu phải muốn nhét cái gì vào cũng
được. Về phần Théodule, tuy chàng đã đánh hơi biết có cái gia tài kha khá
ấy, nhưng chàng cũng không thích làm cái việc khổ sai mua lòng cụ già. Ông