người tổng chỉ huy đạo quân ấy là Buonaparte (Bấy giờ Viện Ngũ Bách -
500 đại biểu là Viện Lập Pháp Hội Đồng Đốc Chính - 5 Đốc Chính, là cơ
quan Hành Pháp tối cao; Tức tháng 5, theo lịch mới của chế độ Cộng Hòa).
Cùng ngày ấy, ở nhà ngục Bicêtre người ta đã xích trong một dây xích tù
thật lớn, Jean Valjean bị khóa vào dây xích đó. Một người lính canh ngục cũ,
năm nay đã gần chín mươi tuổi, còn nhớ như in con người đáng thương ấy bị
cùm vào cuối dây người thứ tư ở góc phía Bắc sân nhà ngục. Anh ta ngồi bệt
xuống đất như mọi người khác. Chừng như anh ta cũng không hiểu tình cảnh
mình ra làm sao nữa, chỉ biết là kinh khủng quá. Trong ý nghĩ lờ mờ của con
người ù ù cạc cạc với tất cả mọi việc như anh, có lẽ anh cũng mang máng
thấy rằng trong việc đó có cái gì quá đáng.
Trong khi người ta quai mạnh búa để tán chiếc đinh trên cái gông cổ phía
sau gáy, anh khóc lên, nghẹn ngào không nói nên lời, chốc chốc mới thốt
được một câu: “Tôi làm nghề xén cây ở Faverolles”. Rồi anh vừa nức nở và
giơ tay lên, hạ xuống bảy lần, mỗi lần mỗi hạ thấp hơn, trông như anh đang
lần lượt sờ đầu bảy đứa trẻ lớn nhỏ khác nhau. Trông cử chỉ ấy người ta đoán
biết anh đã làm điều phi pháp gì đó cũng là vì miếng cơm manh áo của bảy
đứa bé con.
Anh bị giải đi Toulon. Hai mươi bảy ngày ròng rã trên một chiếc xe bò,
xiềng xích luôn mang trên cổ. Đến Toulon, anh thay áo tù khổ sai. Cả quãng
đời của anh trước đây đều bị xóa mờ, xóa mờ cả tên tuổi; anh không còn là
Jean Valjean nữa, anh là con số 24.601. Còn bà chị anh rồi ra sao? Bảy đứa
bé rồi ra sao? Ai là người chăm lo cho cái gia đình ấy? Cái cây non đã cưa
mất gốc, nắm lá sẽ thế nào?
Thì ra chuyện đời vẫn cứ thế. Những con người đáng thương ấy, những
sinh linh của Chúa ấy, từ đây không nơi nương tựa, không kẻ dìu dắt, không
chỗ trú chân lang thang trôi giạt, rồi biết đâu sẽ không mỗi người mỗi ngả,
dần dần vào cái đám sương mù lạnh lẽo đã chìm đắm bao nhiêu kiếp người
cô đơn, cái cõi tối tăm thê lương đã làm mất bóng bao nhiêu cuộc đời bất
hạnh trong bước đường âm u của nhân loại! Họ bỏ làng ra đi. Cái gác
chuông ở nơi gọi là làng quê cũ quên họ đi. Cái bờ ruộng ở nơi gọi là cánh
đồng làng quên họ đi. Sau vài ba năm trong tù, ngay cả Jean Valjean cũng
quên nốt họ đi. Vết thương trong lòng anh đã thành sẹo. Thế là hết. Trong cả