tuốt thì hai ngày ấy anh ta được tự do. Đến tối ngày thứ hai thì anh ta bị bắt
lại, sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ chẳng ăn chẳng ngủ gì. Sau đó, tòa án
thủy quân phạt thêm ba năm khổ sai. Năm thứ sáu lại đến lượt anh được vượt
ngục; anh nắm ngay cơ hội nhưng trốn không trót lọt. Điểm danh thấy thiếu,
người ta bắn phát súng đại bác báo hiệu và đến đêm thì lính tuần tìm được
anh trốn dưới chiếc vỏ tàu đang đóng dở. Lúc bị bắt anh chống cự lại với
lính coi ngục. Thế là cái tội vừa vượt ngục vừa kháng cự kẻ thừa hành ấy,
theo hình luật đặc biệt, phải xử giam thêm năm năm nữa trong đó có hai năm
phải đeo xiềng đôi. Cộng là mười ba năm. Đến năm thứ mười lại đến lượt
anh trốn nữa và anh cũng không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng lần này cũng không
may gì hơn. Lại ba năm nữa, thành mười sáu năm. Sau cùng hình như đến
năm thứ mười ba, anh lại thử một lần chót nữa nhưng chỉ ra ngoài được bốn
tiếng đồng hồ thì bị bắt lại. Ba năm nữa với bốn tiếng đồng hồ ấy. Cả thảy
mười chín năm. Anh vào tù từ năm 1796 mà mãi đến tháng mười năm 1815,
anh mới được thả ra. Như thế chỉ vì anh đập một miếng kính và lấy một cái
bánh mì.
Đến đây cần mở một dấu ngoặc. Trong khi xét về hình luật và việc luật
pháp đày đọa con người, lần thứ hai tác giả lại gặp một vụ trộm bánh mì xuất
phát điểm của một kiếp trầm luân. Claude Gueux đã lấy trộm một chiếc
bánh. Jean Valjean cũng lấy trộm một chiếc bánh. Một thống kê tại Anh cho
biết trong năm vụ trộm, có bốn vụ trực tiếp do đói mà ra.
Lúc vào tù Jean Valjean run sợ, khóc lóc, đến khi ra, anh thành người
thản nhiên, trơ như đá. Lúc vào lòng anh tuyệt vọng, nay ra, lòng anh đen
tối. Cái gì đã xảy ra trong tâm hồn anh?