VII
BÊN TRONG TUYỆT VỌNG TA THỬ PHÂN TÍCH
XEM
Xã hội có nhiệm vụ phải thấy rõ những điều đó vì chính xã hội đã gây ra.
Như chúng ta đã biết, Jean Valjean là một kẻ vô học, nhưng không phải là
người ngu ngốc. Trong con người anh vẫn có thứ ánh sáng của thiên bẩm.
Đau khổ cũng có cái ánh sáng của nó, làm cho tâm trí còn mơ hồ của anh
được sáng sủa thêm lên. Trong cuộc đời đày ải, khi roi vọt, xiềng xích, lúc
nằm ngục, lao dịch, khi ở ngoài nắng thiêu đốt, lúc nằm trên tấm phản của
nhà tù khổ sai, anh thường tự hỏi lương tâm và suy nghĩ.
Anh tự coi mình như quan tòa. Và anh bắt đầu tự xét xử. Anh công nhận
rằng anh không phải là một kẻ vô tội bị xử oan. Anh tự thú nhận đã trót làm
một việc cùng quẫn đáng chê trách. Anh mà ngửa tay xin chiếc bánh kia thì
chưa hẳn người ta không cho. Dù sao đi nữa, tốt hơn là phải dằn lòng mà chờ
cho bánh, hoặc do lao động mà có, hoặc con người ta thương hại mà cho,
còn nói: “Đói ăn vụng túng làm càn” thì không phải là một lý sự cứng đến
không bẻ lại được. Bởi vì trước hết thực sự vì đói làm chết thì cũng hiếm có;
sau nữa, về bản chất con người ta lại có thể chịu đựng rất lâu và rất nhiều
mọi thứ đau khổ về tinh thần và thể chất mà không chết, cái ấy không biết là
một cái may hay là một cái rủi. Cho nên phải biết nhẫn nại. Nhẫn nại thì tốt
hơn, tốt cho cả lũ trẻ thơ kia nữa. Chứ dám đem sức vóc yếu ớt của mình mà
hùng hổ tóm lấy cổ cả một xã hội và tưởng rằng có thể thoát khỏi cảnh đói
rét bằng trộm cắp, thì thật là một hành động điên cuồng. Nói gì thì nói chứ
cái cửa để ra khỏi đói rét mà cũng dẫn vào ô nhục thì rõ là cái cửa tồi. Tóm
lại, anh có sai lầm thật.
Rồi anh tự hỏi: Phải chăng chỉ có mình gây ra cho mình kiếp sống oan
nghiệt này? Trước hết, một người lao động như anh mà phải thất nghiệp, một
người siêng năng như anh mà phải đói khát thì phải đó là một hiện tượng
nghiêm trọng không? Sau nữa, đã mắc lỗi lầm mà biết thú nhận, thì trừng trị
như thế có độc ác và quá đáng không? Có phải như thế là trong việc trừng