Pháp quên cả vết thương mình. Với lại, nhìn vấn đề một cách cao rộng hơn
nữa thì cái gì đáng gọi là nội chiến? Nội chiến là gì? Vậy có ngoại chiến
không? Tất cả các cuộc chiến tranh giữa loài người chẳng phải là chiến tranh
giữa anh em thì là gì? Tính chất một cuộc chiến tranh quyết định ở mục đích
của nó. Chẳng có ngoại chiến, nội chiến gì cả, chỉ có chiến tranh chính nghĩa
và chiến tranh phi nghĩa mà thôi. Cho đến ngày thiên hạ đại đồng, thì chiến
tranh, ít nhất là chiến tranh giữa cái cũ đang chần chừ mãi không chịu cuốn
vó đi và cái mới đang nóng ruột tiến lên, chiến tranh ấy còn có thể là cần
thiết. Đối với thứ chiến tranh như thế, có gì đáng trách? Chiến tranh sở dĩ là
một mối nhục nhã, thanh gươm sở dĩ thành một con dao giết người là vì nó
giết chết công lý, tiến bộ, lẽ phải, văn minh, chân lý. Đã thế, thì ngoại chiến,
nội chiến gì, nó cũng phi nghĩa cả, là tội ác. Nếu không kể đến chính nghĩa
thiêng liêng thì hình thức chiến tranh này có quyền gì khinh bỉ hình thức
chiến tranh kia? Lưỡi gươm của Washington
nhận mũi giáo của Camille Desmoulins?
Timoléon chống bạo chúa, ai vĩ đại hơn ai? Một người bảo vệ, một người
giải phóng. Lẽ nào thóa mạ tất cả những cuộc chiến đấu vũ trang nội bộ
không cần đếm xỉa đến mục đích của nó? Như thế thì phải kể là điếm nhục
tất cả những Brutus, Marcel, Arnould De Blankenheim, Coligny. Giặc bờ bụi
à? Giặc đường phố à? Sao lại không? Đó là giặc của Ambiorix, của
Artevelde, của Marnix, của Pélage. Nhưng Ambiorix chiến đấu chống La
Mã, Artevelde chống Pháp, Marnix chống Tây Ban Nha, Pélage chống bọn
Maures; tất cả đều chống ngoại bang. Vậy thì Quân Chủ là ngoại bang, áp
bức là ngoại bang, thần quyền là ngoại bang. Chế độ chuyên chế vi phạm
biên giới của đời sống tinh thần chẳng khác gì quân xâm lược vi phạm biên
giới địa lý của một quốc gia. Đánh đuổi tên độc tài hay đánh đuổi quân xâm
lược Anh, trong hai trường hợp đều là giành lại lãnh thổ của mình. Đến một
lúc nào đó, phản kháng không còn đủ được nữa, triết lý xong phải hành động
mới được, vũ lực phải hoàn thành được những cái mà tư tưởng đã phác họa.
Prométhée bị xiềng bắt đầu, Aristogiton kết thúc, Bách Khoa Toàn Thư soi
sáng trí óc mọi người thì ngày 10 tháng tám kích thích họ như một luồng
điện. Sau Eschyle là Thrasybule sau Diderot phải có Danton. Quần chúng có
xu hướng muốn có một vị chúa. Khối dày đặc của họ dễ bất động. Đám đông