hè đẹp, không có bầu trời rực rỡ, không có buổi sớm mai tháng tư mát dịu,
nói như thế tưởng cũng đúng với anh thôi! Ở trong anh chỉ nhờ nhờ, một thứ
ánh sáng xó buồng.
Cuối cùng để tóm tắt những gì có thể tóm tắt được trong tất cả những điều
đã kể ra trên kia và nêu thành kết luận cụ thể, chúng ta chỉ cần nhận định
rằng, sau mười chín năm “hun đúc” trong tù, Jean Valjean, cái anh thợ xén
cây hiền lành ở Faverolles, sau là tên trọng phạm đáng sợ ở Toulon, đã trở
thành kẻ có gan làm hai thứ việc xấu xa: Một là những manh động đột nhiên,
mù quáng, không suy nghĩ, hoàn toàn do bản năng sai khiến, như là để trả
thù cho những đau khổ đã đày đọa mình; hai là có những hành động xấu xa
nghiêm trọng, có đắn đo cân nhắc, có trù tính, dựa vào những ý nghĩ sai lầm
mà đau khổ vừa qua đã gieo vào đầu óc mình. Những việc trù tính của anh
thường qua ba giai đoạn liên tiếp: Lý luận, quyết tâm và kiên trì, ba việc mà
chỉ những tay can trường mới làm nổi. Sự bất bình thường xuyên, nỗi chua
xót trong lòng, niềm uất ức sâu xa vì các thứ bất công phải cam chịu và sự
phản ứng đối với cả những người tốt, người vô tội hay người công minh, đều
là động cơ của anh. Mỗi lần anh suy nghĩ, anh đều xuất phát từ lòng căm thù
luật pháp của loài người và cuối cùng rồi cũng lại quay về đích đó. Nếu
không có cái gì may mắn ngăn lại thì rồi có lúc, lòng căm thù ấy sẽ biến ra
lòng căm thù xã hội, căm thù loài người, căm thù cả tạo hóa và thể hiện ra
thành cái ý muốn mơ hồ, dai dẳng và tàn bạo là làm hại, bất luận ai, quý hồ
đó là một sinh vật. Xem đó thì biết, không phải là không căn cứ mà giấy
thông hành của Jean Valjean lại cho anh là người rất nguy hiểm.
Năm này qua năm khác, tâm hồn ấy khô héo dần, chầm chậm nhưng
không gì ngăn nổi. Tim khô nên mắt cũng khô. Lúc ra khỏi nhà tù, tính ra
suốt mười chín năm trời, anh chưa hề rỏ một giọt nước mắt.