XX
NGƯỜI CHẾT ĐÚNG MÀ NGƯỜI SỐNG CŨNG
KHÔNG SAI
Chiến lũy sắp bước vào giờ phút hấp hối.
Tất cả cái gì chung quanh cũng châu vào để làm tăng vẻ tôn nghiêm bi đát
của giờ phút tối hậu ấy. Hàng nghìn âm vang huyền bí trong không gian, hơi
thở của các binh đoàn đông đặc hành quân trên các nẻo phố không nhìn thấy,
tiếng vó ngựa đều đều của kỵ binh, tiếng chuyển động nặng nề của các cỗ đại
bác, từng tràng súng, từng loạt đại bác đan chéo nhau trong thành phố quanh
co khuất khúc, khói súng các trận giao phong ửng vàng trên mái nhà, những
tiếng kêu thét ở đâu xa xôi khủng khiếp, những tia chớp khắp nơi như đe
dọa, tiếng chuông báo động ở nhà thờ Saint Merry thê lương như tiếng nấc,
ngày đẹp, mùa xuân êm ái, cảnh trời rực rỡ ánh nắng và những dãy nhà lặng
ngắt đáng sợ. Từ tối hôm qua, hai dãy nhà phố Chanvrerie hóa ra hai bức
tường thành ghê lạnh. Cửa lớn, cửa sổ, cửa con đều đóng im ỉm.
Thủa ấy khác với ngày nay.
Thuở ấy khi đã đến lúc dân chúng muốn
chấm dứt một tình trạng quá kéo dài, muốn bãi một Chính Phủ đương vị,
một hiến pháp từ trên ban xuống, khi sự căm phẫn đã hòa tan trong không
khí, khi đường phố tán thành cho vỉa hè vùng lên, khi khẩu hiệu khởi nghĩa
rỉ vào tai thị dân làm cho họ mỉm cười đắc ý, lúc ấy người dân phố cơ hồ
như thấm nhuần bạo động và hóa ra những kẻ trợ tá đắc lực của các chiến sĩ,
và nhà cửa sẽ yểm hộ cho các pháo đài mới cất tựa lưng vào phố. Nhưng khi
điều kiện chưa chín muồi, khi nhân dân không đồng tình khởi nghĩa, khi họ
không thừa nhận cuộc bạo động, thì các chiến sĩ cũng xong đời. Chung
quanh cuộc khởi nghĩa, thành phố sẽ biến làm sa mạc, nhân dân trở thành
biển băng, nhà cửa hóa ra vách đá và đường phố hiện thành những hẻm núi
để giúp quân đội Chính Phủ đánh chiếm các chiến khu. Người ta không thể
đột ngột bắt ép một dân tộc tiến lên nhanh hơn họ muốn. Ai lôi tay nhân dân
tất mang họa vào mình. Một dân tộc không để cho ai dắt đi đâu thì dắt. Khi
bị cưỡng bức thì họ bỏ mặc cuộc bạo động ra sao thì ra. Lúc ấy họ coi những