buộc tội những người Cách Mạng đã gieo rắc kinh hoàng. Mỗi chiến lũy đều
bị coi như là một vụ mưu sát. Người ta chỉ trích lý thuyết của họ, nghi ngờ
mục đích của họ, đề phòng ẩn ý của họ, lên án lương tâm họ. Người ta trách
họ đã chồng chất, đã dựng đứng một đống đau khổ, bất công, tuyệt vọng và
quy trách nhiệm cho nề nếp xã hội hiền lành; đã móc từ dưới cặn đáy lên
từng mảng đen tối để nấp vào, tựa vào mà chiến đấu. Người ta mắng họ:
”Các anh giở địa ngục lên!" Họ có thể trả lời: “Chính vì vậy mà chiến lũy
của chúng tôi là một chiến lũy của những ý định tốt".
Đành rằng giải pháp hòa bình là giải pháp tốt nhất. Nói chung, phải nhận
rằng khi người ta thấy hòn đá thì nghĩ đến con gấu
và xã hội lấy làm lo
ngại về cái thiện ý kia. Chỉ có xã hội mới tự cứu được nó thôi, chúng tôi kêu
gọi thiện ý của chính nó. Không cần phương thuốc kịch liệt nào. Phải hòa
nhã nghiên cứu bệnh tình, chẩn đoán rồi điều trị. Chúng tôi mời xã hội làm
cái việc đó.
Dẫu sao, dù là ngã quị, nhất là vì ngã quị, họ là những người cao quý,
những người ấy, những người ở khắp thế giới đăm chiêu nhìn về nước Pháp
mà chiến đấu cho sự nghiệp lớn với cái logique cứng rắn của lý tưởng: Họ
cống hiến đời họ cho tiến hóa một cách thuần túy vô tư; họ thực hiện ý muốn
của Thượng Đế; hành động của họ là một hành động sùng đạo. Đến giờ quy
định, cũng hoàn toàn không tính toán như người diễn viên đến lượt mình đối
đáp, họ cứ tuân theo kịch bản nhà Trời mà chui vào mồ. Và cuộc chiến đấu
không hy vọng, sự hy sinh anh hùng đó, họ gánh lấy để đưa cuộc vận động
nhân bản vô địch bắt đầu ngày 14 tháng bảy năm 1789 đến những hậu quả
rực rỡ và cao vời của nó. Những chiến sĩ đó là những giáo sĩ. Cách Mạng
Pháp là một hành vi của Chúa Trời.
Tuy nhiên - và chúng tôi thấy cần thêm sự phân biệt này vào mấy phân
biệt đã nói ở một chương khác - có những cuộc khởi nghĩa được thừa nhận,
gọi là Cách Mạng và những cuộc Cách Mạng bị bác bỏ, gọi là bạo khởi. Một
cuộc khởi nghĩa nổ ra tức là một chính kiến dự thi trước hội đồng giám khảo
nhân dân. Nếu nhân dân cho điểm xấu, thì chính kiến đó là kết quả khô, cuộc
khởi nghĩa là giặc cỏ.
Nhân dân không muốn hễ có thách thức là phải gánh, cũng không muốn
hễ lý tưởng muốn là mình phải lao vào chiến tranh. Không phải dân tộc nào