II
MARIUS VỪA RA KHỎI NỘI CHIẾN LẠI CHUẨN
BỊ CUỘC CHIẾN TRANH TRONG NHÀ
Một thời gian lâu, Marius chẳng ra sống, chẳng ra chết. Hàng mấy tuần
liền, anh lên những cơn sốt mê sảng. Có nhiều triệu chứng khá nghiêm trọng
ở não vì não bị các vết thương ở đầu làm chấn động, chứ không phải do
chính các vết thương phạm vào.
Hàng đêm đằng đẵng, trong những lời nói mê ghê rợn và thao thao bất
tuyệt qua cơn sốt, trong cơn hấp hối và cứ kéo dài thảm đạm, Marius lúc nào
cũng gọi tên “Cosette”. Mấy vết thương lớn rất nguy hiểm, bởi vì mủ ở
những nơi ấy thường nung ở tận dưới thịt, có thể làm chết người, do ảnh
hưởng của thời tiết; mỗi khi đổi trời thầy thuốc lại lo ngại. Ông thường nói:
“Nhất là người bệnh lại không cảm thấy gì cả". Băng bó rất khó khăn, phức
tạp. Thời ấy chưa tìm ra vải nhựa để dán băng, dán thuốc. Nicolette tốn một
tấm khăn trải giường - “to bằng cái trần nhà” như chị ta thường nói - để làm
băng buộc các vết thương. Dùng các chất chlorurées và nitrate bạc phải chật
vật công phu lắm mới trừ được chứng thối thịt. Bệnh tình Marius còn trầm
trọng thì lão Gillenormand cũng vẫn còn như chàng, chẳng ra sống, chẳng ra
chết. Lão vẫn ngồi ở đầu giường cháu, cuống cuồng cả người. Theo lời bác
gác cổng kể lại ngày nào cũng vậy, có khi một ngày hai bận, một ông già tóc
bạc, ăn mặc sang trọng, đến hỏi bệnh tình Marius và đưa lại một gói băng
lớn.
Cuối cùng tính từng ngày là bốn tháng ròng, sau cái đêm đau đớn Marius
được khiêng về nhà dở sống dở chết, ngày 7 tháng chín, thầy thuốc tuyên bố
bảo đảm chàng sống. Thời kỳ dưỡng bệnh bắt đầu. Thế nhưng Marius còn
phải nằm trên một cái ghế dài ròng rã hai tháng trời, vì xương đòn gánh bị
gãy thỉnh thoảng lại giở những chứng bất ngờ. Đấy, thường vẫn thế, cái vết
thương cuối cùng thường không mím miệng lại ngay, cứ phải băng bó mãi,
người ốm rất khó chịu. Nhưng được cái thời gian ốm lâu như thế, lại bình
phục lâu như thế, nên Marius không bị truy nã. Ở nước Pháp, những cơn