chàng có một cái xe ngựa đang đêm chở chàng về phố Filles Du Calvaire.
Quá khứ, hiện tại, tương lai, tất cả chỉ còn là đám sương mù mờ ảo, nhưng
trong đám sương mù ấy, có một điểm bất động, một nét nổi bật, rõ ràng,
chính xác, một cái gì như bằng đá hoa cương, một điều quyết định, một ý
chí: Tìm Cosette. Đối với chàng, ý nghĩ về cuộc đời không tách rời khỏi ý
nghĩ về Cosette. Lòng chàng đã nhất quyết rằng chàng sẽ không chịu sống ở
đời nếu không có Cosette. Bất kỳ ai bắt chàng sống, dù là ông chàng, dù là
số mệnh hay là địa ngục, thì chàng nhất định cũng phải đòi lại cho kỳ được
nơi cực lạc chàng đã mất.
Những khó khăn, không phải là chàng không hiểu.
Ở đây, ta cần nhấn mạnh điều này: Ông chàng có hết lòng ân cần, âu yếm,
chàng cũng không hề chuyển lòng và cảm động. Trước tiên, vì chàng không
biết hết tất cả những sự săn sóc, chiều chuộng ấy. Sau nữa, trong sự suy nghĩ
mơ màng của người ốm, có lẽ còn chút dấu vết của mê sảng, chàng nghi ngờ
những cử chỉ trìu mến ấy, coi như một hành động lạ lùng, mới mẻ, cốt để
chinh phục chàng. Chàng giữ thái độ lạnh lùng. Ông chàng tha hồ nở những
nụ cười móm mém nhưng chỉ mất công toi. Marius tự bảo khi mình chưa
nói, cứ để mặc cho người ta làm gì thì làm, thì còn tốt; chứ khi nói đến
Cosette thì chàng sẽ thấy một bộ mặt khác hẳn, ông chàng sẽ lộ rõ bộ mặt
thật. Lúc ấy mới gay go. Rồi hàng vạn vấn đề gia đình, rồi thì môn đăng hộ
đối, rồi vừa mỉa mai vừa bắt bẻ, rồi nào Fauchelevent với Coupelevent, nào
gia tài, nghèo khổ, nào đeo vạ vào thân, nào tương lai. Chống lại kịch liệt;
kết cục; từ chối. Marius phải cứng cỏi ngay từ bây giờ. Vả lại chàng càng
khỏe ra, những nỗi bất bình cũ càng trở lại, những vết loét trong ký ức lại lở
ra, chàng nhớ lại dĩ vãng; đại tá Pontmercy lại đứng giữa lão Gillenormand
và chàng, Marius. Chàng tự bảo chàng sẽ không thể hy vọng một tấm lòng
tốt chân thật nào ở con người đã xử tệ và bất công với cha chàng đến thế.
Càng khỏe ra chàng thấy như càng oán ghét ông chàng hơn. Ông lão âm
thầm đau đớn về thái độ của Marius. Lão Gillenormand nhận thấy rằng
Marius, từ ngày được người ta khiêng về nhà và từ ngày chàng tỉnh lại, chưa
bao giờ chàng gọi lão là “ông ngoại” cả; biết vậy nhưng lão không nói gì.
Chàng cũng không gọi là “ngài”, đã đành. Nhưng chàng tìm cách lẩn tránh
để khỏi phải gọi tiếng này cũng chẳng phải gọi tiếng kia.