có nói gì không, ông nói đi chứ! Cứ để em nói một mình mãi. Cha con em
vẫn ở phố L’Homme Armé. Vai ông người ta bảo trông khiếp lắm cơ, cho
nắm tay vào cũng lọt. Với lại, hình như phải lấy kéo mà cắt thịt. Đau quá
nhỉ. Em khóc mãi bây giờ nhòe cả mắt. Sao khổ đến thế được; khỉ thật. Ông
ngoại trông có vẻ hiền lành lắm nhỉ. Thôi, ông nằm xuống, đừng tì khuỷu tay
như thế nữa; không khéo lại đau. Trời ơi, em sung sướng quá. Thế là hết khổ
rồi. Em hóa ngốc mất. Em định nói với ông những gì, bây giờ chẳng nhớ
nữa. Ông vẫn yêu em chứ? Cha con em ở phố L’Homme Armé. Không có
vườn. Lúc nào em cũng làm băng. Đây, ngài trông đây này, ngón tay em có
chai, tại ông đấy.
Marius nói: Ôi! Thiên thần!
Tiếng ấy là tiếng độc nhất trong ngôn ngữ không bao giờ cũ đi cả. Không
tiếng nào khác khỏi sáo mòn khi được các đôi tình nhân dùng chán chê như
thế. Rồi, vì ở chỗ đông người, họ im bặt, không nói gì nữa, se sẽ mân mê tay
nhau.
Lão Gillenormand quay lại phía mọi người trong buồng, kêu to:
— Còn các ông, các bà nói to lên chứ. Làm ầm lên đi chứ, các người ở
hậu trường! Nào, ầm ĩ lên một tí nào! Để cho hai trẻ nó chuyện trò, ríu rít với
nhau cho thỏa.
Rồi lão lại gần Marius và Cosette, khẽ nói thầm:
— Các con cứ gọi nhau là anh là em đi, đừng ngượng gì cả.
Bà dì Gillenormand sững sờ nhìn thấy cái ánh sáng ấy đột nhập vào cõi
lòng già cỗi của mình; nhưng sững sờ mà chẳng hằn học. Chẳng có tí gì là
con mắt cú mèo phẫn nộ, thèm thuồng nhìn đôi chim câu gù; ấy là con mắt
đần của một người đàn bà thơ ngây năm mươi bảy tuổi đầu, lỡ làng duyên
phận, nhìn một cuộc đời đắc thắng vì tình yêu.
Lão Gillenormand nói với con gái:
— Cô ả này ta đã bảo là thế nào con cũng có ngày như thế này.
Sau một lát im lặng lão lại nói:
— Con nhìn hạnh phúc của người khác mà coi.
Rồi lão quay về phía Cosette:
— Con bé xinh tệ, xinh lắm. Như hệt một bức tranh của Greuze.
Thằng ranh, thế là mày chiếm lấy món của quý ấy một mình đấy nhé. Gớm