lão chỉ có độc một ý nghĩ là làm thỏa lòng Marius. Còn bà dì kia, dù bà sờ sờ
ra đấy hay có ý kiến gì, lão không thèm để ý tới. Dù lành như đất, bà dì cũng
phải phật ý. Trong thâm tâm, bà cũng có phần phẫn uất, nhưng bề ngoài vẫn
thản nhiên; bà tự bảo: “Cha mình định đoạt việc cưới xin này không hỏi gì
mình; mình sẽ giải quyết việc gia tài không hỏi gì cha mình”. Bởi vì bà dì
giàu, còn ông bố thì không có gì, hẳn bà ta mặc kệ cho nó nghèo xác. Thây
xác ông cháu. Đã cưới một con xơ xác thì cho xơ xác. Nhưng thấy Cosette
có sáu mươi vạn, bà rất hài lòng; số tiền ấy thay đổi vị trí của bà trong gia
đình đối với cặp tình nhân kia. Phải trọng cái số tiền sáu mươi vạn chứ! Và
cố nhiên không thể không để gia tài cho họ được, bởi vì bây giờ họ không
cần đến nữa.
Người ta thu xếp cho đôi vợ chồng ở trong buồng lão Gillenormand. Lão
nhất định nhường cho họ cái buồng của lão, cái buồng đẹp nhất trong nhà.
Lão nói: “Có thế tôi mới trẻ lại được. Đó là dự định cũ. Tôi vẫn định tổ chức
cưới trong buồng của tôi". Lão cho kê ở trong buồng một đống những đồ lặt
vặt cũ đỏm dáng. Lão cho căng một tấm vải rất to làm trần nhà; miếng vải
nguyên xấp, lão bảo hình như mua ở Utrecht, nền satin màu hoa mao lương,
thêu hoa nhung màu hoa liên hình. Lão bảo tấm vải ấy là loại vải làm khăn
trải giường của Anville, Công Tước Phu Nhân ở lâu đài La Roche Guyon.
Lão bày trên lò sưởi một bức tượng xứ Saxe nho nhỏ ôm con chó trên cái
bụng tênh hênh.
Cái phòng sách của lão Gillenormand này dùng làm văn phòng trạng sư
cho Marius; ta còn nhớ Hội Đồng Luật Sư bắt trạng sư nào cũng phải có văn
phòng riêng.