bàn tay phải luồn vào ve áo mà đặt lên tim và có nhiệm vụ che giấu chỗ mất
cúc.
Nếu Marius quen thuộc chút ít với những cơ sở bí mật ấy ở Paris thì
chàng đã nhận ngay ra được trên mình người khách mà Basque mới đưa vào,
chiếc áo chính khách mượn ở cái mắc áo của Le Change.
Khi thấy không phải là người mà mình đoán, Marius không vừa ý, xoay
ra bực mình với người mới đến. Chàng nhìn người ấy từ đầu đến chân, trong
khi người lạ cúi chào sát đất. Chàng hỏi người ấy giọng cộc lốc:
— Ông muốn gì?
Người lạ trả lời với một nụ cười niềm nở, chẳng khác gì nụ cười mơn trớn
của con cá sấu, nếu cá sấu cười:
— Tôi tin chắc rằng đã có lần hân hạnh được gặp ngài Nam Tước trong
giới thượng lưu chúng ta. Tôi nhớ lắm, cách đây mấy năm, đã gặp ngài ở nhà
bà lớn Hoàng Thân Bagration và ở phòng khách của ngài Tử Tước Dambray,
Huân Lão nước Pháp.
Đây vẫn là chiến thuật quen thuộc của bọn xỏ lá làm ra vẻ nhận ra một
nhân vật mà kỳ thực là không tên tuổi.
Marius để ý đến cách nói năng của người ấy, chàng chú ý nghe giọng nói,
nhìn cử chỉ của hắn, nhưng chàng lại càng thêm thất vọng: Một thứ giọng
mũi, không giống cái giọng chua chua và cụt chàng tưởng. Chàng hoàn toàn
lạc hướng. Chàng bảo:
— Tôi không quen với bà Bagration mà cũng chẳng biết ông Dambray,
tôi chưa đặt chân vào nhà bà ấy hoặc ông kia bao giờ.
Câu trả lời thật cộc cằn. Nhưng người lạ vẫn niềm nở nói thêm:
— Thế thì hẳn là tôi được gặp ngài ở nhà Chateaubriand.
Tôi quen
với Chateaubriand lắm, ông ấy rất ân cần. Thường khi ông ấy bảo tôi: Ông
bạn Thénard tôi ơi! Ông có nhắp với tôi một cút rượu không?
Mặt Marius mỗi lúc một thêm nghiêm nghị.
— Tôi chưa bao giờ có hân hạnh được ông Chateaubriand tiếp. Ta rút gọn
thôi: Ông cần gì?
Trước giọng nói gay gắt của Marius, người lạ lại càng cúi rạp xuống:
— Thưa ngài Nam Tước, xin ngài hạ cố nghe tôi. Bên Mỹ Châu, trong
một xứ về phía nước Panama, có một cái làng gọi là Joya, một làng mà chỉ