III
GIÁM MỤC GIỎI THÌ ĐỊA PHẬN KHÓ
Ông Giám Mục không phải vì đã đem tiền xe cộ ra làm phúc cả mà ít đi
kinh lý. Cái xứ Digne này quả là một địa phận vất vả. Đồng bằng thì ít, núi
non thì nhiều, đường sắt hầu như không có, trên kia đã thấy rồi; lại đến ba
mươi hai xứ, bốn mươi mốt họ và hai trăm tám mươi lăm chi. Đi thăm hết
thẩy bấy nhiêu là cả một vấn đề. Ông Giám Mục vượt qua được tất cả. Gần
thì ông đi bộ, đường đồng bằng thì ông đi xe bò, leo núi thì ông ngồi ghế cho
la thồ. Hai bà già theo ông cho có bạn. Chuyến đi nào đối với các bà quá khó
nhọc thì ông đi một mình.
Một hôm, ông đi lừa đến Senez, một thành phố xưa kia có Tòa Giám
Mục. Dạo ấy, túi tiền hầu như rỗng không, ông không thể đi lại cách nào
khác. Viên Thị Trưởng ra đón ông ở cửa Tòa Giám Mục và nhìn ông từ trên
mình lừa bước xuống, ra vẻ khó chịu. Có mấy tên nhà giàu cười khúc khích
chung quanh. Ông nói: “Thưa ông Thị Trưởng và cả các ngài tư sản nữa, tôi
hiểu vì sao các ông bực bội rồi. Các ông cho là một thầy tu quèn phải hợm
mình lắm mới cưỡi lừa như đức Chúa Jésus Christ trước kia! Thưa thật với
các ông, tôi không hề có ý kiêu căng mà chỉ vì cần thiết quá”.
Trong các chuyến kinh lý, ông tỏ ra rộng lượng và hiền hòa, chuyện trò
nhiều hơn là thuyết pháp. Ông không bao giờ đặt một đức tốt nào vào một
chỗ mà không ai với tới được. Ông cũng chẳng bao giờ phải tìm ra những lý
lẽ và những hình mẫu cho lời nói của mình. Nói chuyện với dân xứ này, ông
nêu gương dân xứ bên cạnh. Ở những tổng mà người ta hẹp lòng đối với kẻ
túng bấn, ông nói: “Hãy xem người Briançon. Họ cho người nghèo, đàn bà
góa, trẻ mồ côi quyền được cắt cỏ ở các đồng cỏ của họ trước mọi người
khác ba ngày. Nhà cửa có bị đổ nát thì họ cất giùm lại cho, không lấy tiền.
Vì thế, xứ ấy là một xứ được Chúa ban ân. Suốt một thế kỷ, một trăm năm
nay, không hề có lấy một kẻ giết người”. Ở những làng chỉ biết có đồng tiền
và hạt thóc, ông nói: “Hãy xem người Embrun. Vào ngày mùa, người nào có
con trai tại ngũ, con gái bận công việc Nhà Nước ở trên tỉnh, mà lại đau ốm
hoặc gặp khó khăn, thì cha xứ đem ra nói với con chiên vào lúc giảng kinh.