IV
NÓI SAO LÀM VẬY
Ông nói chuyện thân mật và vui vẻ. Sống với hai bà già suốt đời ở cạnh
ông, ông khéo chọn lối ăn nói cho vừa tầm họ. Khi ông cười, cái cười của
ông hồn nhiên như của một cậu học sinh. Bà Magloire thích gọi ông là Ông
Lớn. Một hôm ông đang ngồi trên ghế, đứng dậy ra chỗ ngăn tủ tìm một
quyển sách. Sách để ở tận ngăn trên. Ông vốn thấp bé nên không với tới.
Ông gọi bà Magloire bảo: “Bà mang cho tôi cái ghế. Tôi tuy “lớn” nhưng
vẫn không lớn tới tấm ván kia".
Ông có một bà họ xa, bà Bá Tước Lô. Bà này không bao giờ bỏ lỡ dịp
đem khoe khoang trước mặt ông những cái mà bà gọi là những “ngưỡng
vọng” của ba cậu công tử con bà ta. Bà ta có những ông chú bà bác đã già
lắm, lại vô tự, gia tài, tước lộc, về sau thể tất về tay ba người con bà. Cậu út
rồi sẽ được hưởng đến mười vạn quan lợi tức của một bà cô; cậu thứ hai rồi
sẽ được ấm phong tước công của ông bác; cậu cả rồi sẽ được kế chân quốc
lão của ông nội. Ông Giám Mục thường vẫn ngồi lặng yên nghe câu chuyện
bà ta, coi đó là một cái tật vô hại của các bà hay khoe con. Duy có một lần,
trong khi bà ta đang kể đi kể lại tỉ mỉ những chuyện kế tự và những “ngưỡng
vọng” đó, thì ông Giám Mục trông có vẻ thẫn thờ hơn mọi bận. Bà ta hơi
bực mình, ngừng lại hỏi:
— Kìa ông anh. Ông đang nghĩ đi đâu thế?
— Tôi đang nghĩ đến một câu sách cũng hơi kỳ, hình như trong sách của
Thánh Augustins, như thế này: “Hãy đặt ngưỡng vọng của ta vào người nào
mà ta không thừa kế gì cả”.
Một lần khác, ông nhận được tờ cáo phó của một nhà quý tộc trong xứ,
trong đó kê đặc cả một trang giấy những chức tước của người đã khuất, lại
còn la liệt những phẩm hàm chức tước của bọn con cháu họ hàng nữa. Ông
bảo: “Cái chết thế mà khỏe lạ! Mang nhẹ nhàng cả một mớ nặng chức tước.
Kể người đời cũng tài thật, lợi dụng đến cả cái thây ma để khoe khoang hợm
hĩnh". Đôi khi ông có những lời giễu cợt nhẹ nhàng mà có ý nghĩa sâu sắc.
Mùa chay năm nọ có ông phó xứ trẻ tuổi lên tỉnh giảng thuyết ở Nhà Thờ