Trở về ngôi nhà tầm thường mà ông gọi là lâu đài của mình, ông nói với bà
em: “Tôi vừa làm lễ một cách long trọng”.
Việc cao cả thường là việc ít được người hiểu, cho nên trong thành phố có
kẻ bình luận hành động của ông Giám Mục, lại cho rằng ông ấy đóng kịch
thôi. Thực ra đó chỉ là câu chuyện phòng khách. Còn dân chúng thì vốn
không có ác ý nghi ngờ các hành vi thiêng liêng, họ lấy làm cảm kích và hết
sức kính phục. Về phần ông Giám Mục, nhìn thấy máy chém làm ông xúc
cảm đột ngột, khiến ông khá lâu mới hồi tỉnh được.
Đúng là cái máy chém, khi nó đã ở đó, dựng lên và đứng sững, thì nó có
cái gì ám ảnh người ta thật. Thường người ta có thể có chút gì bàng quan với
tử hình, chẳng có ý kiến gì, phải cũng được mà không cũng được, chừng nào
chưa thấy tận mắt một cái máy chém. Nhưng nếu đã gặp rồi thì xúc động thật
là mãnh liệt, phải quyết định dứt khoát đứng về phía này hay phía kia. Kẻ thì
ca ngợi như De Maistre; người thì nguyền rủa như Beccaria. Máy chém là sự
kết tụ của luật pháp, là sự trừng trị; nó không trung lập và không cho phép ai
trung lập. Ai thấy nó đều lên một cơn run bí ẩn nhất. Mọi vấn đề xã hội đều
dựng lên bao nhiêu dấu hỏi chung quanh lưỡi dao của nó. Máy chém là một
ảo tưởng. Máy chém không phải là một giá gỗ, máy chém không phải là một
cỗ máy, máy chém không phải là một thứ máy móc cứng đờ bằng gỗ, sắt và
dây. Hình như nó là loại sinh vật có một cái gì như một sáng kiến đen tối.
Hình như cái giá gỗ ấy biết nhìn, cái cỗ máy ấy biết nghe, cái máy móc ấy
biết hiểu, các thứ gỗ, sắt, dây ấy đều có ý chí. Trong cơn ác mộng do sự có
mặt của nó gieo vào tâm hồn con người, máy chém hiện ra dữ tợn, tự nhúng
tay vào công việc nó làm. Nó là đồng lõa với đao phủ; nó ăn người; nó nuốt
thịt sống, nó uống máu tươi. Máy chém như một loài quái vật do thẩm phán
và thợ mộc dựng lên, một bóng ma sống một cách đáng sợ bằng những cái
chết nó tạo ra.
Vì thế ấn tượng của nó ở trong tâm trí ông Giám Mục thật là ghê rợn và
sâu xa. Hôm sau ngày hành hình và nhiều hôm sau đó nữa, ông như thất
thần. Dáng thanh tĩnh gần như mãnh liệt của phút giây bi thảm đã biến mất;
bóng ma của công lý xã hội ám ảnh người ông. Con người mà thường ngày
đi hành đạo với vẻ bằng lòng rạng rỡ trên mặt, lần này hình như có ân hận.
Có lúc, ông tự nói với mình và lúng túng thì thầm từng tràng độc thoại ảo