“bác” hay “ông già”. Giờ thì mụ cố làm ra dáng dịu dàng, nhưng cái dịu
dàng của mụ còn khả ố hơn cái nanh ác lúc nãy.
— Thưa ông, ông xem, tôi có cấm đoán nó đâu, nó chơi thì chơi. Có chơi
cũng chỉ lần này thôi. Thật nể ông tốt quá. Ông xem, nó trơ thần xác ra, có gì
đâu. Nó phải làm chứ!
Khách hỏi:
— Cháu nó không phải là con bà ư?
— Rõ khốn nạn! Thưa ông, tôi đâu có thứ con ấy. Nó là con nhà túng đói,
chúng tôi đem về nuôi làm phúc. Nó đần độn lắm cơ. Đầu nó dễ thường chỉ
toàn là nước. Ông xem, đầu nó to thế kia mà. Chúng tôi cũng làm hết sức
mình vì cháu, nhưng nhà nghèo lắm. Chúng tôi đã gửi thư về quê quán, mà
sáu tháng nay chẳng được tin tức gì cả. Chắc là mẹ cháu chết rồi.
— Thế à?
Khách nói xong lại trầm ngâm nghĩ ngợi.
Mụ Thénardier nói tiếp:
— Mẹ nó cũng chẳng ra quái gì. Mang con bỏ chợ.
Lúc hai người nói chuyện thì Cosette như có linh tính báo cho nó biết hai
người đang nói chuyện nó; nó không rời mắt nhìn mụ Thénardier. Nó nghe
bập bõm, câu được câu chăng.
Bọn khách đã say mềm vẫn hát mãi cái bài hát thô tục của họ, càng ngày
càng ầm ĩ. Đó là một bài hát chúa tục trong đó có nói đến Đức Nữ Đồng
Trrinh và Ấu Chúa Jésus Christ. Mụ Thénardier đã chạy đến chia phần vui
nhộn. Cosette vẫn ngồi dưới bàn nhìn đăm đăm ngọn lửa và ngọn lửa thì
phản chiếu long lanh trong mắt nó. Nó lại ru nựng cái quấn tã nó vừa làm ra,
vừa nựng vừa hát khe khẽ: “Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết rồi! Mẹ em chết
rồi".
Bà chủ hiệu mời mọc mãi, nhà “triệu phú” mới chịu ăn tối.
— Thưa ông, ông dùng gì?
— Bánh mì và pho mát - khách nói.
“Rõ ràng là một tên kiết xác”, mụ Thénardier nghĩ vậy.
Bọn say vẫn hát bài tục tĩu của chúng. Cosette thì cứ ru bài hát riêng của
mình. Bỗng Cosette im bặt. Nó vừa quay lại và thấy con búp bê của chị em
nhà Thénardier vứt chỏng dưới đất, gần cái bàn làm bếp, để chơi con mèo.